Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Thương lắm Mái trường ơi!

HỒNG CHUYÊN1
Thương lắm Mái trường ơi!
Mấy trăm năm mái vòm Thành Cổ
Rêu phong chằng chịt gió sương
Gân guốc bờ tường đá cũ
Cây phượng lưng còng
Bệ kỳ đài phơi nắng
Những mái nhà bạc trắng
Con đường cũng trắng
Như đường làng quê mẹ tôi xưa
Tiếng còi tàu ầm ĩ đêm mưa
Lặng thầm phố nhỏ.


Thương lắm Mái trường ơi!
Bình minh Cổng Tiền
Hoàng hôn Cổng Hậu
Bỡ ngỡ ngày đầu
Bạn ở đâu
Quê mình xa lắm
Giúp nhau chăn vuông tóc ngắn
Cùng nhau đọc lá thư nhà
Mùa khai trường trời thu xanh ngắt
Hương hoa sữa thơm nồng phiên gác
Hoa móng rồng tím ngát
Hàng sấu xanh man mác heo may
Rồi đông qua xuân đến hè về
Náo nức hoa phượng cổng trường rực đỏ
Những ban trưa oi ả

Gốc đa già gióng giả ve kêu
Đợi chờ cơn gió mát buổi chiều
Thổi qua Cổng Đông im lìm cửa đóng
Lơ thơ mặt hồ gợn sóng
"Quan họ áo xanh, Quan họ yếm đào"
Bỗng nghe văng vẳng phương nào
Bập bùng câu hát nhớ quê

Thương lắm Mái trường ơi!
Cặm cụi đèn khuya
Thì thầm đêm vắng
Cuốn vở mỏng chẳng chịu nằm im lặng
Sột soạt cựa mình suốt một mùa thi
Từng ngày từng ngày bảng đen phấn trắng
Từng giờ từng giờ tiếng thầy vang vọng
Vẫn vạch đường dẫn lối tôi đi
Vượt gập ghềnh chữ nghĩa
Chẳng dễ dàng đến bến bờ chân lý
Thấm đẫm mồ hôi trang sách trang đời
Ngẩng đầu lên bình minh đã rạng rồi
Những tia nắng đầu ngày
Nghiêng soi xuống giảng đường rực sáng
Nghiêng mái đầu thầy
Nghiêng nghiêng bục giảng
Nghiêng nghiêng cây xà cừ cô độc sân trường
Vẫn chẳng thôi xanh mướt
Xanh như mái đầu
Mơ ước tuổi đôi mươi

Thương lắm Mái trường ơi!
Ba lô trĩu nặng
Quai súng hằn vai
Quân phục loang vắt dài con phố
Chảy suốt triền đê một dải sông Cầu

Những Tiên Sơn, Trung Sơn, vẹt mòn đá sỏi
Bảy Hai1, Tám Tư2 chân chồn gối mỏi
Giọt mồ hôi đánh dấu lối lên đồi
Chiều hành quân
Nắng quái Phấn Sơn
Đêm mưa đường trơn Chùa Bổ
Sức trai trẻ có ngại gì gian khổ
Lòng vẫn cứ hồn nhiên như hoa cỏ
Gọi nhau tăng võng ven rừng
Khói bếp nhà ai quen thuộc quá chừng
Nồi sắn thơm lừng
Mẹ già luộc vội
Em gái ơi đừng làm tôi bối rối
Mái nghèo mà ấm áp tình quê
Bát nước chè xanh
Lóng lánh em mời
Ngọt lịm giọng cười
Xóm núi

Thương lắm Mái trường ơi!
Mai tôi chia tay
Lên bồng bềnh mây chiều Mèo Vạc
Về xôn xao sóng nước Cà Mau
Chẳng thể nào quên
Bồng bềnh ngồi tựa mạn thuyền
Xôn xao người ơi người ở

Để rồi cứ rưng rưng nhớ
Mái tóc thầy và mái trường bạc trắng
Rưng rưng thương
Những ngọn đồi cháy nắng
Và rêu phong từng viên gạch tường thành

Nhớ những tháng năm gian khó học hành
Để một ngày vụt thấy mình khôn lớn
Vụt thấy trên đầu mênh mang mây trắng
Vụt thấy chân mình đạp bằng đá đường xa
Chỉ có trái tim
Cứ thổn thức thiết tha
Chẳng muốn chia xa cái thời mê mải
Cái thời hồn nhiên cái thời vụng dại
Một thời nhưng sẽ là mãi mãi
Sẽ theo tôi đi đến cuối cuộc đời

Thương lắm mái trường ơi!
 

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Tiếng thơm từ trong Thành cổ


Ghi chép của NGUYỄN VĂN HẢI

Mỗi lần vào thăm Trường Sĩ quan Chính trị, đi qua vòm cổng Thành cổ nhà Nguyễn xuyên qua ba thế kỷ dưới bóng cây si già trăm tuổi cành lá sum suê, tôi đã thấy toát lên vẻ đẹp thâm trầm, cổ kính của một mái trường quân sự mà nhiều người vẫn gọi vui là cái nôi đào tạo “quan văn” cho các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Dạo bộ một vòng trong khu vực nội Thành cổ, tôi thấy lòng mình trở nên dịu êm, thư thái bởi những hàng cây cổ thụ rợp bóng, những ngôi nhà giản dị và những khuôn viên, bồn hoa tươi tắn sắc màu.
Sáng sáng, khi các học viên lên giảng đường, đi qua các đường ngang lối dọc, hình như bên tai tôi chỉ thấy tiếng chim ríu rít chuyền cành và thỉnh thoảng nghe thấy tiếng giảng bài trầm ấm của các thầy vọng ra từ các lớp học. Nhưng đến cuối giờ chiều, không gian trong trường trở nên tấp nập, nhộn nhịp khác thường. Trên các ngả đường, nhiều thầy cô trong sắc phục đời thường rộn rã trở về tổ ấm sau những giờ say sưa giảng bài trên lớp. Trước sân nhà của các khối học viên, nơi này là dăm ba tốp bạn trẻ vui vẻ đá cầu; nơi khác là mấy cậu học viên đang chăm chú viết vẽ bảng tin; dưới những gốc cây có vài ba chiếc ghế đá không còn chỗ trống bởi những chàng trai đam mê âm nhạc đang lướt những ngón tay mềm mại trên dây đàn ghi ta… Không khí háo hức, rộn ràng nhất là tại những sân chơi, bãi tập. Trên sân bóng chuyền, đó là những pha chuyền biến hóa, những cú đập bóng thùm thụp hòa vào tiếng hò reo sôi động. Trên sân vận động, đó là những đôi chân săn chắc, thoăn thoắt cùng tranh giành quả bóng đá lăn tròn trên sân để rồi đến lúc cao trào, những tiếng đồng thanh cùng bất chợt vang lên “vào, vào…” như làm rung chuyển, chao đảo cả Thành cổ. Trên khu thể thao quân sự, đó là những đôi tay rắn rỏi chống đẩy lên xuống, những động tác gập bụng dẻo dai và cả những pha nhào lộn trên các khung xà đơn xà kép không khác mấy cảnh diễn viên… làm xiếc. Sau những giờ phút tập trung cao độ tâm trí lực để tiếp nhận, hấp thụ bài giảng của thầy cô trên lớp, có lẽ “đằm mình” vào các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi cuối buổi chiều hằng ngày, học viên như muốn “xả” bớt những lo âu, căng thẳng và hơn thế, muốn khởi động thể lực, dung nạp năng lượng tinh thần để sức khỏe thêm bền bỉ, dẻo dai, tâm hồn thêm thoải mái và đầu óc thêm minh mẫn, khoáng đạt. Việc kết hợp giữa học và rèn, học và chơi, là việc hằng ngày của các học viên Trường Sĩ quan Chính trị.

Lại nói về cái “sự chơi” của học viên sĩ quan chính trị. “Sự chơi” của các em tuy nằm trong khuôn khổ tổ chức, có sự quản lý, điều hành của cán bộ đơn vị và đoàn thanh niên, song nội dung hoạt động rất phong phú, bổ ích, phù hợp với tâm lý lứa tuổi thanh niên và góp phần hoàn thiện mục tiêu yêu cầu đào tạo của nhà trường. Tôi đã có dịp chứng kiến khá nhiều buổi giao lưu văn nghệ của học viên trong trường. Một trong những buổi giao lưu đó là chương trình văn nghệ có chủ đề “Hoài bão cống hiến và khát vọng trưởng thành” của tuổi trẻ nhà trường. Điều đọng lại trong tôi cũng như bao khán giả hôm đó là chương trình này đã có sự kết hợp khéo léo, hài hòa giữa chất “tráng ca” và chất “hoan ca”. Các tiết mục mang đậm chất “tráng ca” đó có thể kể đến: Đảng đã cho ta một mùa xuân (Tốp ca nam nữ), Tổ quốc gọi tên mình (tốp ca nam), Hát về Tổ quốc tôi (đơn ca), Từ làng Sen(hát múa), Ngọn lửa tuổi hai mươi- Lời đất nước gọi ta- Việt Nam gấm hoa (tổ khúc)… Còn chất “hoan ca” là những tiếc mục hết sức sôi động như: Nhảy hip hop, Khiêu vũ thể thao, Bản tình ca tuổi trẻ… Trên nền nhạc với tiết tấu hết sức vui nhộn, rộn ràng, những động tác uốn oéo, lộn nhào, lắc lư của nhóm nhảy hip hop Tiểu đoàn 6 trong tiết mục “Phút giải lao trên thao trường” đầy ngẫu hứng khiến hàng nghìn bạn trẻ đứng ngồi không yên, miệng hô hào, tay vỗ vang, thân thể như cùng “chao đảo, ngả nghiêng” theo những điệu nhảy trên sân khấu rất nhuần nhuyễn, điệu nghệ. Chả thế mà xem xong chương trình này, anh Vương Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh (nay giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh) đã tấm tắc khen bằng một câu ngẫu hứng, hóm hỉnh: “Văn nghệ rất chính trị mà cũng rất đời”. Hàm ý của câu khen đó là, biểu diễn văn nghệ như thế vừa mang tính giáo dục, có chiều sâu, vừa đa dạng, phong phú, đúng nghĩa với chất vui vẻ, tươi tắn của quảng đại quần chúng.
 Trung sĩ Đỗ Đình Phòng, quê ở Vĩnh Phúc, học viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 2 vốn là con nhà nông “chính hiệu”. Thuở thiếu thời ở chốn quê nghèo, ngoài những giờ ở lớp, ở trường, Phòng phải phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, nuôi gà, chăn lợn. Cái đôi chân chắc nịch quê mùa của cậu chỉ hợp với cái trò “đá bòng, đá bưởi” thay “đá bóng” trên đường làng ngõ xóm, chứ còn còn múa hát dưới ánh đèn sân khấu lấp lánh thì đối với cậu có vẻ là... “xa xỉ” lắm! Nhưng sau ba năm học ở Trường Sĩ quan Chính trị, từ một người hơi nhút nhát, ấy thế mà nhờ đơn vị hướng dẫn và tạo điều kiện cho “lăn xả” vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giờ Phòng đã tự tin, đĩnh đạc hơn khi đứng trước đám đông để “hát tặng” đồng đội những bài ca yêu thích trong các buổi sinh hoạt văn nghệ tập thể. Rồi Phòng còn trở thành “diễn viên múa” nghiệp dư mỗi khi đội văn nghệ của đại đội, tiểu đoàn tham gia “thi tài” ở cấp nhà trường. Lúc đưa cho tôi một tấm ảnh chụp với đội múa của đơn vị, Phòng hớn hở khoe rằng, nếu lãnh đạo chỉ huy đại đội, tiểu đoàn không chủ động, nhiệt tình tạo ra các sân chơi, hoạt động ngoại khóa bổ ích, học viên khó có cơ hội được tiếp nhận, hấp thụ những “gu” thẩm mỹ nhân văn, lành mạnh. Hơn thế, nhờ duy trì thường xuyên, tổ chức chặt chẽ các hoạt động tập thể, mỗi học viên còn cơ hội được rèn luyện tâm lý, bản lĩnh cá nhân- những yếu tố rất cần thiết đối với việc hình thành, hoàn thiện phẩm chất nhân cách của người cán bộ chính trị cấp phân đội sau này.
Đại tá, Thạc sĩ Phùng Văn Lập, Phó chủ nhiệm Chính trị nhà trường chia sẻ với tôi rằng, một trong những sân chơi bổ ích thu hút đông đảo học viên tham gia đó là “Câu lạc bộ (CLB) ca khúc”. Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, giờ đây, CLB không chỉ là nơi hội tụ của các hạt nhân văn nghệ “hát hay, đàn giỏi”, mà còn là địa chỉ tin cậy trong việc giáo dục, nâng cao kỹ năng ca, múa, nhạc cho học viên trong trường, tạo điều kiện cho các em được “tắm mình” trong “bầu khí quyển trong lành” của âm nhạc truyền thống dân tộc và những khúc ca cách mạng hào hùng của đất nước, quân đội.
Cũng nhằm gây dựng đời sống tâm hồn phong phú cho cả thầy và trò trong trường, từ lâu Trường Sĩ quan Chính trị đã phát động phong trào sáng tác văn học nghệ thuật. Trong tay tôi hiện đang có hai cuốn sách mang tên “Sách bên hoa, đàn bên súng” và “Mái trường trong tôi” được xuất bản vào năm 2011 và 2013. Hai ấn phẩm với gần 100 tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa… là sản phẩm “cây nhà lá vườn” của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường sáng tác trong 5 năm qua, tuy số lượng chưa nhiều, nhưng mỗi tác phẩm là một “hương vị tình yêu”, là tiếng lòng thân thương, trìu mến đã dành tặng cho mái trường mà họ từng gắn bó, yêu thương. Những tình cảm trong sáng của tình thầy trò, những kỷ niệm đẹp đẽ của thời học viên, những ký ức tươi rói về “bảng đen, phấn trắng” và cả những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống quân ngũ đã được các tác giả ghi lại, phản ánh, thể hiện qua những cung bậc xúc cảm chân thật, mềm mại…còn neo lại trong tầm hồn người đọc.
Vào website của nhà trường tại địa chỉ “daihocchinhtri.edu.vn”, một trong những chuyên mục nổi bật trên giao diện là trang văn học nghệ thuật chuyên dành để đăng tải những sáng tác mới của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường. Trung tá, Thạc sĩ Phạm Ngọc Bình, Trưởng ban Biên tập- xuất bản (Phòng Khoa học quân sự) nhà trường “bật mí” với tôi rằng, cùng với những thông tin cập nhật thời sự về hoạt động của nhà trường, các gương điển hình tiên tiến, các nội dung liên quan đến giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, thì trang văn học nghệ thuật trên website nhà trường luôn có số lượng truy cập đông đảo nhất. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm và cũng là niềm tin yêu mà cán bộ, giảng viên, học viên của nhà trường đã dành cho chuyên mục này.  
Đã từ lâu, Trường Sĩ quan Chính trị có một slogan (khẩu hiệu) rất nổi tiếng mà tất cả cán bộ, giảng viên, học viên đều thuộc nằm lòng, đó là “Sách bên hoa, đàn bên súng, nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”. Trung tướng, PGS.TS Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị bày tỏ sự trân trọng với người tiền nhiệm đáng kính của mình khi tâm sự với tôi: “Tác giả câu khẩu hiệu này là cố Trung tướng, PGS Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, một  vị tướng tài năng, mẫu mực về nhân cách nhà giáo và có nhiều công lao, cống hiến cho nhà trường”.
Im lặng giây lát, với giọng truyền cảm, thầy Trung lý giải: “Sách bên hoa, đàn bên súng” mang hàm ý là, ngoài việc việc trang bị kiến thức văn hóa, khoa học lý luận, kỹ năng hoạt động quân sự, nhà trường còn chăm lo vun trồng, bồi đắp cho học viên những giá trị thẩm mỹ để biết cảm nhận, hưởng thụ, sáng tạo và quảng bá cái hay, cái đẹp. Bởi đội ngũ sĩ quan chính trị tương lai không chỉ là dừng lại ở việc làm công tác Đảng, công tác chính trị, định hướng tư tưởng, giáo dục bộ đội, mà còn là những “kỹ sư tâm hồn” góp phần nuôi dưỡng, vun đắp, làm giàu những giá trị chân- thiện- mỹ cho quân nhân”.
Với mục tiêu ấy, trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường rất coi trọng bồi dưỡng, giáo dục nâng cao trình độ thẩm mỹ cho học viên bằng sự kết hợp hài hòa giữa truyền thụ bài giảng sinh động trên giảng đường với những hoạt động trải nghiệm văn hóa hết sức phong phú trong thực tiễn. Đó cũng là nét khác biệt để góp phần làm nên vị thế, thương hiệu của Trường Sĩ quan Chính trị trong hệ thống học viện, nhà trường sĩ quan quân đội. Tôi thầm ngĩ, làm cho cái hay, cái đẹp thấm sâu vào nhân cách những sĩ quan chính trị tương lai, nhà trường đã và đang làm cho “tiếng thơm” tỏa ra từ di sản Thành cổ nhà Nguyễn.
Bắc Ninh- Hà Nội, tháng 1-2016



XỨNG DANH TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ


                                                                                                Kịch bản phóng sự
                                                                                            Phùng Văn Lập   
         
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Cha thân yêu cuả các lực lượng vũ trang đã từng dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”“Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”. Thấu triệt tinh thần ấy, ngay sau khi Tổ quốc thống nhất, trước yêu cầu củng cố, phát triển đội ngũ cán bộ chính trị của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại trong tình hình mới, ngày 14/01/1976, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Trường Sĩ quan Chính trị được thành lập với nhiệm vụ đào tạo chính trị viên đại đội cho toàn quân, mà trực tiếp về cơ cấu tổ chức là Hệ Sơ cấp của Học viện Chính trị.



Đó là bước kế thừa, tiếp nối, phát triển kết quả, thành tựu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị của quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngay từ đầu, khi thành lập lực lượng vũ trang cách mạng, Trung ương Đảng đã cử một số ủy viên Trung ương phụ trách nhiệm vụ quân sự và chính trị, đảm bảo cho Trung ương và các đảng bộ địa phương lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ Cứu quốc quân; đặt chế độ chính trị viên đại đội, chính trị viên trung đội trong Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; chế độ chính trị viên tiểu đội, chế độ đại diện Đảng phụ trách Quân đội trong Việt Nam giải phóng quân. Từ đó đến nay, đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội ngày cảng được kiện toàn, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện nhiệm vụ theo chế độ, cương vị, chức trách.
          Đối với Nhà trường, mặc dù với tổ chức biên chế, đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa đồng bộ, chuyên sâu; cùng với Ban Giám hiệu, chỉ có 03 phòng, 04 khoa, 02 tổ giáo viên và 04 tiểu đoàn học viên; cơ sở vật chất bảo đảm còn khó khăn của buổi ban đầu, nhưng bằng ý chí phấn đấu, tinh thần vượt khó, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, các lực lượng của Nhà trường đã vừa giảng dạy, huấn luyện, học tập, rèn luyện vừa củng cố, xây dựng đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của một nhà trường quân đội, đặt nền móng cho bước trưởng thành, phát triển trước mắt, trong tương lai.
Chủ yếu cán bộ, học viên khi thành lập Trường vừa trở về từ chiến trường, có đến hơn 96% đã trải qua chiến đấu, học viên đều là đảng viên, có đồng chí là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hơn ai hết, họ hiểu rõ những khó khăn của dân tộc, quân đội thời hậu chiến, yêu cầu đề cao cảnh giác cách mạng, huấn luyện sẵn sảng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu Tổ quốc, cả nước đương đầu với hoạt động bao vây, cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch. Họ đã tận tâm, tận lực phấn đấu vun đắp cho sự trưởng thành của Nhà trường, cho sự nghiệp đào tạo cán bộ chính trị của quân đội.
          1. Trên chặng đường phấn đấu là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội của toàn quân, với sự cống hiến, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, chỉ huy các cấp, của đội ngũ cán bộ, giảng viên, Nhà trường đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện mô hình, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo cán bộ chính trị từ nhiều nguồn, nhiều đối tượng, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách, trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản, lâu dài.
Trong hành trình thực hiện nhiệm vụ, ở mỗi thời kỳ, công tác giáo dục đào tạo Nhà trường luôn được dẫn dắt bởi tầm nhìn, phương hướng hoạt động đúng đắn.
Đó là:Cơ bản, toàn diện, hệ thống, thống nhất của những năm đầu thành lập.
Trên cơ sở đó, phương hướng những năm tiếp sau là: Nắm vững cả trước mắt và lâu dài, nhà trường gắn liền với chiến trường, kiên trì với phương hướng đào tạo cơ bản, toàn diện và chuyên sâu, lấy chuyên môn hoá làm đích; kết hợp giáo dục về chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học xã hội và nhân văn với đào tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự; thường xuyên đổi mới công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học phù hợp với quy luật giáo dục hiện đại; đổi mới quy trình, chương trình theo hướng từng bước tiếp cận và hoà nhập với hệ thống chương trình đào tạo đại học theo nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Bước sang giai đoạn mới, phương hướng được xác định: Tập trung nỗ lực bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo; đổi mới căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; tăng cường tính đảng, tính tư tưởng và tính thực tiến. Tăng nhanh tiềm lực sư phạm, hoà nhập vững chắc với hệ thống giáo dục đại học quốc dân. Nhờ vậy, Nhà trường luôn giữ vững và tăng cường phương hướng chính trị, hội tụ và lan toả thành tựu khoa học, kịp thời cập nhật thực tiễn phong phú trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo.
          Nhận thức về vị thế trong tương lai, từ rất sớm, Nhà trường đã chủ động, đổi mới, sáng tạo, bắt nhịp với sự phát triển của sự nghiệp giáo dục - đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội, giáo dục đào tạo quốc dân. Chỉ sau 02 năm thành lập, Trường Sĩ quan Chính trị đã liên kết với các trường: Nguyễn Ái Quốc 5, Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị đào tạo các khoá giáo viên khoa học xã hội và nhân văn cho các nhà trường quân đội. Phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp đào tạo đại học tại chức chuyên ngành văn, sử cho học viên. Đó là những bước đi đầu tiên, hình thành hướng đào tạo đa ngành, từng bước thực hiện chủ trương đại học hoá của Nhà trường.
          Trong số hơn 2 vạn học viên tốt nghiệp ra trường, đã có 67 phóng viên báo chí quân đội, 266 Cử nhân Luật, hàng nghìn giáo vỉên khoa học xã hội và nhân văn, hơn 500 sĩ quan dự bị.
Qua tích luỹ, phát triển tiềm lực, nỗ lực phấn đấu, ngày 03/10/1982, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định số 28/QĐ- TW xác định Trường Sĩ quan Chính trị là trường Đảng tập trung trong quân đội thuộc hệ thống đại học Mác- Lênin.
Sau khi tái lập (tháng 11/2008), ngày 23/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường Đại học Chính trị trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Chính trị. Kể từ đây, Nhà trường vừa thực hiện tốt hơn vai trò của một trường sĩ quan, một trường Đảng trong quân đội; vừa là cơ sở đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Theo lôgíc của chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cấp phân đội, nhất là bảo đảm điều kiện cần và đủ cho học viên thực hiện chức trách ban đầu khi tốt nghiệp ra trường là người cán bộ tổ chức các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở các đơn vị cơ sở, Trường Sĩ quan Chính trị thực sự còn là trường Đoàn trong quân đội.
          Suốt 40 năm qua, ở Nhà trường luôn có nhiều đối tượng đào tạo: Chính trị viên, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, cán bộ chính trị Công an Nhân dân, giáo viên Quốc phòng an ninh, học viên đào tạo sau đại học khoa học xã hội và nhân văn, xây dựng đảng và chính quyền nhà nước…Trải qua quá trình học tập, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, tuyệt đại đa số học viên tốt nghiệp ra trường đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã phát triển lên cương vị cao hơn sau ít năm công tác, trong số đó không ít đồng chí trở thành cán bộ cấp cao, tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam; là nhà khoa học, nhà báo, nhà giáo có uy tín trong và ngoài quân đội.
          Trong đội ngũ ấy, gần 1000 con em của đồng bào dân tộc ít người được cử tuyển về Nhà trường đào tạo, bồi dưỡng đã trưởng thành, đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng của quân đội, của hệ thống chính trị trên những địa bàn trọng yếu, phiên dậu của Tổ quốc.
          Và trong số ấy, có những cán bộ quân đội của nhân dân hai nước bạn Lào, Cămpuchia được đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp tại Trường Sĩ quan Chính trị, hay thông qua tiếp cận nội dung, chương trình, tài liệu, giáo trình… mà cán bộ của Nhà trường tham gia làm chuyên gia, giúp đỡ xây dựng. Lớp cán bộ đó đã và đang góp phần củng cố tình đoàn kết dân tộc, quân đội ba nước Đông Dương.
          Trên hết, chúng ta luôn ghi lòng, tạc dạ những học viên ưu tú đã xả thân vì Tổ quốc, sẵn sàng đón nhận “Lời điếu văn thay quyết định ra trường”, làm nên “Trang giáo án vàng, định nghĩa chữ vinh quang”. Các Anh đã cùng tập thể các lớp chuyên ban vững vàng trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trên tuyến đầu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Phan Đình Linh và 21 Liệt sĩ của Nhà trường đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là điểm tựa tinh thần, giá trị bền vững và hoá thân vào lịch sử xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành của Nhà trường.          
2. Được xác định là nhiệm vụ luôn đồng hành, gắn kết mật thiết với nhiệm vụ giáo dục đào tạo, trên cơ sở thực lực của mình, hoạt động nghiên cứu khoa học cuả Nhà trường đã được quan tâm tổ chức triển khai thực hiện rất sớm, và ngày càng  phát triển về tiềm lực, kết quả và thành tựu.
Các lực lượng của Nhà trường, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên đều hiểu rằng: Tiềm lực, kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học khoa học xã hội và nhân văn, khoa học, nghệ thuật quân sự là minh chứng sinh động cho năng lực tiếp cận, khám phá, truyền thụ, vận dụng tri thức mới, khả năng đóng góp luận cứ cho đường lối, quan điểm xây dựng quân đội, nhất là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị của Trường Sĩ quan Chính trị.
Khi Nhà trường được đổi tên thành Trường Sĩ quan Chính trị - Quân sự (Tháng 12/1981), đứng trước yêu cầu mới về công tác tư tưởng - lý luận, trước tác động của khủng hoảng chính trị ở Liên Xô, Đông Âu, mặc dù  còn khó khăn về lực lượng, hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã trở thành nhiệm vụ cơ bản, được triển khai theo hướng đề cao tính hiệu quả, thiết thực. Việc hoàn thành đúng tiến độ, có chất lượng tốt Đề tài cấp Nhà nước KX07-19-01, Đề tài cấp Bộ “Xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới” đã góp phần bổ sung lý luận - thực tiễn xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong thời gian này, Nhà trường đã tổ chức tốt Cuộc thi lý luận chính trị- xã hội, được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp xếp loại tốt; học viên Phạm Văn Long đạt giải Nhất, được đi dự Festival 13 Liên hoan học sinh, sinh viên quốc tế tại Bình Nhưỡng (Triều tiên). Hệ thống đề tài cấp Trường, cấp cơ sở, tiểu luận của học viên được triển khai tích cực, đồng bộ và thu được nhiều kết quả khích lệ. Kết quả, thành tựu đó đã khơi nguồn, tạo đà cho bước phát triển nhanh của hoạt động nghiên cứu khoa học.   
Nhìn vào kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học, điều dề nhận ra là/ đa phần  còn mới (Kỷ yếu hội thảo, tài liệu, giáo trình, Tạp chí Khoa học giáo dục chính trị quân sự…) /sản phẩm chủ yếu từ khi Nhà trường tái lập, càng thấy rõ hơn sự nỗ lực, tiềm lực được tích luỹ, tâm huyết, tinh thần, năng lực tự chủ của đội ngũ cán bộ khoa học; củng cố niềm tin vào sự biến đổi về chất, vào gốc rễ của sự vươn lên là trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn mạnh của quân đội trong giai đoạn mới; hướng đến trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ; góp phần làm sáng tỏ lý luận và thực tiễn các vấn đề tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, tham gia đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng- lý luận, bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; là lực lượng xung kích phòng, chống “diễn biến hoà binh” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá trong điều kiện bùng nổ thông tin.
3. Nói đến Trường Sĩ quan Chính trị, trong tiềm thức của nhiều người, luôn có sẵn định danh “Trường Sĩ quan Chính trị - Bắc Ninh”, bởi mái trường này đã gắn bó sâu đậm với miền quê Kinh Bắc- Bắc Ninh. Miền quê đã đi vào hành trang công tác, hành trang cuộc sống của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, đó không chỉ là tứ thơ, ý văn, mà còn tham gia vào bồi bổ kỹ năng công tác, góp phần rèn luyện, hoàn thiện nhân cách, nâng tâm hồn người cán bộ chính trị được đào tạo, bồi dưỡng ở nơi đây.
Nhưng trước đó, khi mới thành lập, Nhà trường tiếp quản doanh trại cũ của 02 trung đoàn thuộc Sư đoàn 312, thuộc xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, Tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) và xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, tỉnh Vĩnh Phú (nay thuộc thành phố Hà Nội), đội hình đóng quân phân tán. Học tập, sinh hoạt còn mang tính dã ngoại thời chiến. Học viên lấy ghế xếp, bàn đạc thay bàn.
Trải qua quá trình xây dựng, trưởng thành, cơ sở vật chất bảo đảm sinh hoạt, học tập, công tác đã được tăng cường, nâng cấp, hiện đại hoá, nhưng những khó khăn như thế không thể lãng quên, vẫn là minh chứng sống động cho sự nỗ lực khắc phục khó khăn của Nhà trường trên bước đường phát triển.
Giờ đây, Nhà trường đã và đang chuyển dần lên đóng quân, huấn luyện tại địa bàn Thành phố Hà Nội. Dù ở nơi nào, hoàn cảnh nào, điều kiện nào, Nhà trường cũng luôn vun trồng hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân, làm tròn sứ mạng đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội, đơn vị mẫu mực về chính trị; nơi gắn chặt yêu cầu nâng tầm tri thức và năng lực chính trị, năng lực hành động của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên với thực tiễn nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, với đơn vị và với chiến trường.
Lịch sử truyền thống của Trường Sĩ quan Chính trị là lịch sử xây dựng và trưởng thành của một nhà trường quân đội đào tạo đội ngũ trí thức quân sự cách mạng, đã và đang đi lên cùng đất nước và Quân đội.  
Trong suốt 40 năm qua, khi hoạt động độc lập, hay hơn 10 năm trong đội hình của Học viện Chính trị quân sự (1995 - 2008), Nhà trường luôn coi trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Trong đó lấy xây dựng về chính trị là cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là khâu then chốt, xây dựng môi trường văn hoá sư phạm quân sự là nền tảng. Tập trung xây dựng, phát triển tiềm lực mọi mặt, nhất là tiềm lực sư phạm, tiềm lực khoa học, tiềm lực thông tin- tư liệu.
Từ chỗ chỉ có 5% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, 25% tốt nghiệp phổ thông trung học của những ngày đầu thành lập. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học và sau đại học, 06 Phó Giáo sư, 35 Tiến sĩ, 148 Thạc sĩ, 03 Nhà giáo Ưu tú.
Đó là đội ngũ nòng cốt, đi đầu trong khối đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của toàn Trường. Góp phần to lớn trong củng cố, nuôi dưỡng tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới các mặt công tác. Cùng toàn Trường nêu cao trách nhiệm chính trị và lòng nhiệt tình cách mạng trước Đảng, Nhà nước, quân đội, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, phấn đấu trở thành một trường đào tạo sĩ quan gương mẫu toàn diện của quân đội ta”.
Cùng thành tích về giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết quả đó là hợp phần quan trọng xây nên thành tích chung của Nhà trường.
 40 năm phấn đấu vì sự nghiệp cao cả, Nhà trường đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương chiến công hạng Hai, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 09 tập thể, 73 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại.
Tất cả đã kết tinh thành truyền thống: “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt”, là hành trang quý báu; nguồn động lực to lớn nâng bước đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường phấn đấu hoàn thành xuất sắc sự nghiệp trồng người, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị, đội ngũ “Sách bên hoa, đàn bên súng/ nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”.
Từ ngày thành lập, Trường Sĩ quan Chính trị đã trải qua một chặng đường lịch sử xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành vẻ vang. Nhiệm vụ giáo dục- đào tạo của Nhà trường đã ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về đào tạo nguồn cán bộ trong Quân đội, nhất là yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở.
Vượt lên trên khó khăn, Nhà trường đã có nhiều cố gắng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong hệ thống các nhà trường quân đội. Vừa tiếp thu, vận dụng sáng tạo khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong chiến tranh cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; vừa giữ vững và phát huy bản sắc riêng của một nhà trường quân đội có nhiều kinh nghiệm đào tạo cán bộ chính trị và giáo viên khoa học xã hội nhân văn cấp phân đội, vừa nhanh chóng tiếp cận và làm chủ thành tựu khoa học giáo dục hiện đại.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người chính trị viên, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sống tình thân thương, đùm bọc, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các địa phương; sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của các đơn vị, học viện, nhà trường trong toàn quân, và bằng tinh thần lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, học tập và công tác nhiệt tinh của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, Trường Sĩ quan Chính trị đã  trở thành cái nôi đào luyện nên những chính trị viên, giáo viên xã hội nhân văn quân sự vừa “Hồng” vừa “Chuyên”, thực sự là người chị, người anh, người bạn của bộ đội. Đội ngũ cán bộ chính trị đó đã gương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng, thực hiện tốt vai trò chủ trì về chính trị ở cấp phân đội, đơn vị chiến đấu cơ bản của Quân đội ta; trở thành niềm tin, niềm tự hào của lớp lớp chính trị viên, cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhận rõ vinh dự và trách nhiệm vẻ vang của mình; tiếp nối thành tích xây dựng, chiến đấu, cống hiến và trưởng thành, chúng ta nguyện quyết tâm đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; ghi tiếp vào trang sử mới của Nhà trường những thành tích to lớn hơn, xứng đáng là trường trọng điểm của Quân đọi,  với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân.

                                                                     Bắc Ninh, tháng 8  năm 2015