Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

ẤM ÁP NHƯ MỘT GIA ĐÌNH



TRIỆU THU THỦY[*]

Mỗi người phụ nữ đều mong chờ đến ngày 8/3 (Ngày Quốc tế phụ nữ) để nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất, những món quà đầy ý nghĩa từ người thân và bạn bè của mình. Đối với những giảng viên nữ của Trường Đại học Chính trị - một môi trường đa số là nam giới, thì ngày 8/3 càng trở nên có ý nghĩa. Đây là cơ hội mà các chú, các anh bày tỏ sự quan tâm đến đồng nghiệp của mình. Riêng với tôi, ngày 8/3 đầu tiên tại Ngôi trường thân yêu này đã để lại ấn tượng sâu sắc, một kỷ niệm không thể nào quên. Không phải vì nhiều hoa, nhiều quà, nhiều lời chúc mà là tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giữa đồng chí, đồng đội ấm áp như một gia đình.

          Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 12/2009, tôi về Khoa Văn hóa Ngoại ngữ - Trường Đại học Chính trị công tác. Lúc đó tôi là một trong những giảng viên trẻ nhất toàn Trường. Niềm mơ ước được đứng trên bục giảng từ thuở nhỏ nay đã trở thành sự thật. Nhưng khi mới bước chân vào Trường, tôi gặp phải không ít những khó khăn: Thời khóa biểu sinh hoạt khác hoàn toàn với trước kia, tôi phải độc lập sống xa gia đình, xa bạn bè và người thân, một mình một phòng trong khu nội trú nữ, phải chấp hành nghiêm quy định của đơn vị, tác phong, xưng hô chào hỏi trong môi trường quân ngũ…Khoảng thời gian đầu tiên, tôi phải đấu tranh với bản thân mình ghê lắm mới chiến thắng "sự quyến rũ" của chiếc chăn ấm, chiếc đệm êm để thức dậy đúng giờ báo thức và trong công tác đôi khi tôi còn xưng hô nhầm. Vậy mà, với tất cả sự nhiệt huyết, say mê, lòng yêu nghề của một cô giáo trẻ mới ra trường, tôi đã cố gắng hết sức mình để nhanh chóng tiếp cận, hòa nhập và thích nghi. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã chính thức được đứng lớp giảng dạy. Dù vậy, tôi vẫn có thói quen nhịn ăn sáng như từ thời sinh viên. Và một biến cố từ thói quen đó đã xảy ra đối với tôi đúng vào ngày 8/3 đầu tiên ấy.
          Theo kế hoạch thì buổi chiều ngày 8/3/2010 sẽ có buổi gặp mặt của Phụ nữ toàn Trường tại Hội trường A, tôi háo hức lắm vì đó là buổi lễ lớn đầu tiên tôi sẽ được tham dự, được mặc áo dài, và được gặp mặt với Thủ trưởng Nhà trường, thủ trưởng các đơn vị. Tuy nhiên, buổi sáng hôm đó, tôi giảng 4 tiết đầu. Lòng rộn ràng, náo nức khiến buổi tối hôm trước, tôi tất bật, đi ra đi vào, vừa lo là lượt quần áo, vừa lo chuẩn bị giáo án thật đầy đủ để ngày mai lên lớp suôn sẻ. Bởi vì, một giảng viên trẻ những lần đầu lên lớp trước đối tượng học viên lớn tuổi sẽ không tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ, nếu không có kiến thức chuyên môn vững vàng, nghiệp vụ sư phạm tốt thì sẽ thất bại. Đêm đã khuya mà trong đầu tôi tưởng tượng biết bao nhiêu điều: Đó là những tình huống sư phạm, những câu hỏi mà học viên có thể đặt ra, những ví dụ toán học sẽ truyền đạt và không thể thiếu những hình ảnh đẹp về Ngày Quốc tế phụ nữ, và tôi chỉ thật sự chìm vào giấc ngủ khi chiếc kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới.
5h15 phút, tiếng chuông báo thức vang lên, vậy là ngày mong chờ của tôi đã đến. Khác với mọi ngày, không còn cảm giác uể oải muốn ngủ thêm chút nữa, tôi bật dậy thật nhanh và lòng tự mỉm cười "chúc mừng ngày 8/3", mọi thứ quen thuộc xung quanh dường như bỗng nhiên vui hơn. Trời se se lạnh, từng cơn gió nhẹ của mùa xuân ôm ấp, vuốt ve những chồi non mới nở trên cành cây trước cửa, tôi vươn vai tận hưởng một buổi sáng thật trong lành. Chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, vẫn thói quen bỏ ăn sáng, mặc dù bụng trống không, tôi lên lớp với tinh thần hăng say nhất. Sau những thủ tục lên lớp như thường lệ, điều bất ngờ đầu tiên đến với tôi khi tất cả học viên đứng dậy, đồng chí cán bộ lớp ôm bó hoa tươi thắm tới tặng tôi, đồng thời dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi thật sự xúc động và ngạc nhiên: "cảm ơn các đồng chí". Buổi giảng hôm đó thành công ngoài mong đợi, khi các đồng chí học viên sôi nổi, hăng hái xung phong tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài. Sự khởi đầu suôn sẻ khiến tôi tràn ngập niềm vui và hy vọng một ngày thật tuyệt vời đến với mình - ngày 8/3 đầu tiên ở trong Trường của một cô giáo trẻ.
Nhưng điều mong đợi đó đã không trở thành sự thật. Sau khi kết thúc 4 tiết lên lớp, tôi ôm bó hoa được tặng về Khoa để tiếp tục làm việc. Một lúc sau, tôi bỗng thấy trán rịn mồ hôi, chân tay bủn rủn, tôi đoán "chắc mình bị trúng gió đây". Tôi xin phép Thủ trưởng Khoa về nghỉ một lát, sau đó đứng dậy, nhẹ nhàng đi về hướng Phòng nội trú của mình. Đi được mấy bước, tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt ghê gớm và gục xuống ngay trước cửa phòng làm việc.
          Khi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình đang được truyền nước trong bệnh xá, xung quanh là các anh chị em trong Khoa đang hết sức lo lắng. Sau khi đo huyết áp, cặp nhiệt độ và các thao tác chuyên môn khác, bác sĩ nói với tôi: "Tỉnh táo chưa em? Cô giáo bị tụt huyết áp thôi, không có gì đáng lo ngại đâu. Chắc là từ sáng đến giờ chưa ăn gì đúng không? Đợi truyền xong chai nước này thì phải ăn một chút nhé". Tôi chỉ lí nhí đáp lại "Vâng ạ". Khi thấy tôi đã tỉnh táo, một chị trêu "em có biết bằng cách nào mà em xuống được đây không?". Tôi ngượng ngùng đáp lại câu hỏi của chị "Dạ, không ạ". Chị nở một nụ cười tươi, nắm lấy bàn tay tôi rồi hướng ánh mắt về phía một anh khác trong Khoa "Chính anh ấy đã cõng em suốt từ Khoa xuống đến Bệnh xá đấy. Trời trưa nắng, mồ hôi nhễ nhại mà anh ấy cố gắng đi thật nhanh đưa em đến đây để các bác sĩ khám, anh ấy và mọi người rất lo lắng cho em, giờ em không sao thì tốt rồi". Tôi chỉ biết ấp úng "Em cảm ơn anh, cảm ơn tất cả mọi người". Anh nhẹ  nhàng "Không có gì đâu, anh em trong Khoa mình luôn giúp đỡ nhau mọi lúc mọi nơi mà. Em phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, bây giờ không được nhịn ăn sáng nữa nhé, em phải ăn uống đầy đủ thì mới có sức để hoàn thành nhiệm vụ chứ". Tôi nghẹn ngào, xúc động chẳng nói nên lời, dòng nước mắt đã chan hòa trên má từ lúc nào.
Đầu giờ chiều, mọi người đã trở về làm việc, các chị em xúng xính trong những tà áo dài duyên dáng, tiếng nói cười rôm rả. Giá như không có chuyện sáng nay thì giờ này tôi cũng đã hòa nhập trong đó, cũng đã diện bộ áo dài và tung tăng như chú chim non. Vậy là hôm đó tôi không được tham dự buổi gặp mặt như mong đợi mà phải nằm tại bệnh xá, nằm một mình nghĩ tới bộ áo dài được là phẳng phiu treo trên mắc mà lòng thoáng buồn. Nhưng biết trách ai ngoài chính bản thân mình.
Hết giờ làm việc, tôi đã thấy khỏe hơn nên về phòng nội trú nghỉ ngơi. Các anh chị em và cả Thủ trưởng Khoa xuống "kiểm tra" sức khỏe của tôi một lần nữa. Khi thấy tôi đã hoàn toàn bình phục, thầy Phó Chủ nhiệm Khoa cười nói với tôi như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng "Khỏe hẳn chưa con gái, mọi người đi dự buổi gặp mặt mà cứ lo cho sức khỏe của con lắm đấy. Con lớn rồi, sống xa gia đình phải biết tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân nhé. Sau này, có vấn đề gì thì cứ nói với thầy, với mọi người trong Khoa để cùng nhau chia sẻ và tìm cách giải quyết nhớ chưa?". Tôi thật sự ngạc nhiên, bất ngờ trong sự sung sướng và xúc động, thầy gọi tôi là "con gái" - tôi như là một trong những người con của thầy, là em của những anh chị tại đây. Thường ngày thầy nghiêm khắc, chỉ bảo chúng tôi trong công tác chuyên môn, nhưng hôm nay thầy thật hiền từ, gần gũi giống như một người cha dặn dò chính đứa con của mình vậy. Anh mà sáng đã cõng tôi cũng trêu tôi bằng một câu nói rất dí dỏm "Anh chỉ cõng em lần này thôi, em phải khỏe không được ngất lần nữa đâu nhé. Nếu có lần sau anh không cõng nữa đâu...". Tôi bật cười "Vâng, em biết rồi, em hứa sẽ không có lần sau nữa đâu ạ".
Khi mọi người ra về, ngồi một mình tôi bỗng thấy lòng mình thật ấm áp như chưa hề có vết tích của trận ốm buổi sáng cũng như sự "lỡ hẹn" với buổi gặp mặt buổi chiều. Thay vào đó là niềm vui sướng tràn ngập vì tôi đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của mọi người trong Khoa, từ các thầy lãnh đạo đến toàn thể các anh chị em. Chúng tôi luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành, ấm áp như một gia đình. Sống xa gia đình, xa anh em bạn bè nhưng tôi không hề cảm thấy cô đơn, chúng tôi luôn quan tâm, chia sẻ với nhau không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống. Tôi đã tìm thấy gia đình thứ hai của mình - Khoa Văn hóa Ngoại ngữ, với các thầy là cha, các cô là mẹ và các anh chị em như trong một nhà.
Hai năm đã trôi qua, Khoa cũng đã có nhiều thay đổi một số thầy cô đã nghỉ hưu, có nhiều giảng viên mới về nhận công tác nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là tình cảm ấm áp như một gia đìnhgiữa tất cả mọi người. Cũng từ gia đình này, tôi và các giảng viên trẻ đã dần trưởng thành, vững vàng hơn trong công tác. Chắc chắn rằng, mãi mãi về sau tình cảm gia đình ấy sẽ luôn luôn bền chặt, thắm thiết.  





[*] Khoa VHNN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét