Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

THỦ TRƯỞNG KHÔNG CƯỜI

                                                          
 Truyện ngắn - NGUYỄN MINH CƯỜNG[*]

- Dậy! Dậy!
Tiếng gọi thẽ thọt lay động đầu màn làm Quốc tỉnh giấc. Hắn càu nhàu:
- Gì thế? Hôm nay tao có gác đâu!
- Có ngửi thấy mùi gì không?
Thắng gí quả chuối ngự chín thơm phức vào mũi hắn. Cái bụng lúc nửa đêm chợt sôi lên.
- Chuối chín rồi à?
- Chín rồi! Mày báo cho anh em a mình về góc giường tao chiến đấu. Nhẹ nhàng thôi! Địch mà biết thì ngày mai lại mỏi tay viết tường trình, kiểm điểm.
          Soạt …soạt. Mấy bóng đen khác vén màn chui ra. Chưa đầy 15 phút sau, buồ
ng chuối còn trơ lại cuộng và vỏ. A trưởng Tiến thẽ thọt:
          - Ngon! Biểu dương thằng Quốc đã tăng gia về cho anh em trong tiểu đội. Còn bây giờ, dọn sạch dấu vết nghe chửa? Dồn hết vào bao tải cất vào kho. Giờ tăng gia chiều mai thằng Nam phi tang ra xe rác. Rõ chửa? Giờ thì giải tán.
          Đó là chuyện xảy ra đêm thứ Sáu! Còn sáng nay-thứ Bảy, cái kho vốn được đóng bằng gỗ hết sức tinh vi giữa gầm giường thằng Thắng trong góc phòng đã bị phá tan bởi chính nó. Bao tải nhỏ chứa đầy vỏ chuối đặt trên mặt bàn trong phòng chỉ huy. Chín tên lính sinh viên tuổi đôi mươi mặt đỏ rần, ánh mắt bám dính lên nền nhà đá hoa.
          - Nhìn đi! Ê mặt chửa? Tưởng tôi mù hay sao mà định vải thưa che mắt thánh hử? Tôi đã quản lý học viên đào tạo sĩ quan của cái Trường này nhiều năm rồi. Mánh khóe nào mà lừa được chứ?
          Thiếu tá, Đại đội trưởng Trần Hanh: Tóc muối tiêu. Người nhỏ thó. Da đen quánh. Nét mặt khắc khổ mà uy nghiêm như La hán tọa thiền, rít lên qua kẽ răng tựa AK47 bắn liên thanh:
          - Đồng chí nào của a3 cắt trộm chuối trên vườn tăng gia? Có biết thế là vi phạm quy định của đơn vị không? Có biết thế là bất lương, không trung thực không? Có biết thế là không xứng với tư cách của một học viên sĩ quan không? Biết hả? Biết sao vẫn làm? Chỉ huy Tiểu đoàn mà phát hiện ra thì điểm thi đua trừ đến về Mo. Mấy cái mặt các đồng chí được bêu lên trước chào cờ… thì… thì …nhục! Đại nhục! Nào! Nói mau! Ai người đầu têu hả? Không ai nhận phải không? Đoàn kết gớm nhỉ! Được! Đã thế: Lấy tập thể rèn cá nhân. Tiểu đội 3! Báo động sẵn sàng chiến đấu. Ba phút sau quân tư trang đầy đủ có mặt ở sân bóng chuyền. Bắt đầu!
          Vẫn như thường lệ! Đại đội trưởng Trần Hanh không để cho học viên của mình thanh minh mất thì giờ. Vi phạm là uốn nắn ngay bằng một biện pháp hành chính. Khoác lỉnh kỉnh ba lô, bao đồ, túi lựu đạn, súng AK, cuốc xẻng, Tiểu đội trưởng Tiến tự giác cho cả tiểu đội chạy thẳng ra sân vận động. Thêm 3 vòng cua quanh đường pít. Đấy cũng là lúc Chính trị viên xuất hiện, nhẹ nhàng mời tất cả về Đại đội thay quần áo, cất vũ khí trang bị lên phòng uống nước.
Trung úy Hoàng Quốc Việt vừa tốt nghiệp được điều về làm Chính trị viên Đại đội 7 này bốn tháng. Anh có khuôn mặt bầu bĩnh như trai tơ mới lớn. Hai mươi ba tuổi. Bằng ưu. Nhiều tài lẻ. Phải cái hiền khô.
- Thế nào các chú! Thấm chưa?
- Dạ! Ngấm vào tận xương rồi.
Thắng dài giọng như ca cải lương.
- Kêu ca vừa thôi bố! Đêm qua bố xơi liền một mạch gần nải chuối đầu buồng, ễnh bụng. Hôm nay vận động tí cho đẹp vòng 2 chứ bõ bèn gì - Quốc làu bàu - Mà thưa chính viên! Anh cũng phải góp ý với Đại đội trưởng chứ! Quản lý học viên sĩ quan chứ có phải lính chiến đâu mà “hắc” cái “xì dầu”.  
- Các chú có khuyết điểm. Phạt thế mới nhớ! Anh Hanh nghiêm khắc thế là phải. Anh hoàn toàn ủng hộ. Bây giờ thì viết kiểm điểm.
Tất cả cắm cúi viết. Không ai nói thêm với ai câu nào. Xong rồi thì đi tăng gia sáng chủ nhật, chỉ trừ có Quốc. Cậu ngồi đối diện với Đại đội trưởng Trần Hanh.
- Thêm bản kiểm điểm này nữa là mấy?
- Dạ sáu!
- Ấy là tính từ đầu năm học đến giờ. Còn từ năm học thứ nhất đến nửa cuối năm học thứ tư hiện nay là bao nhiêu?
- Trời! Em nhớ làm sao được ạ?.
- Tôi nhắc cho cậu nhớ: Tổng cộng 5 lần kiểm điểm. Thêm 3 bản tường trình những việc chưa đến mức kiểm điểm. Vị chi  là 8 lần cậu mắc khuyết điểm! Cậu có muốn học tập nữa không? Hay là tốt nghiệp sớm.
- Anh đừng dọa em nữa! Có về quê, em cũng không có ruộng để cày đâu.
- Cậu...cậu đừng có bướng! Học viên sĩ quan mà tuột xích...Hừ! Nỗi nhục của một dòng họ, một làng xã hiểu chửa? Tưởng kiếm tiền ngoài đời dễ lắm đấy phỏng? Còn cái cô sinh viên ngân hàng nữa. Nó yêu ai kia, chứ không phải một gã trai hèn,...
- Sao...sao anh biết chuyện của em. Anh theo dõi em đấy à? Em sẽ khiếu...
- Thôi! Thôi! Đừng đưa vấn đề sinh hoạt dân chủ ra mà cự lại tôi. Tôi không hơi đâu quản chuyện yêu đương của các anh chị, trừ khi nó làm ảnh hưởng đến việc học-rèn của học viên. Còn chuyện cậu nghĩ gì, tơ tưởng đến ai thì kẻ vô tâm nhất Đại đội này cũng biết, chứ đừng nói là chỉ huy của cậu- người luôn luôn có thể đếm được từng con giun trong bụng cậu: con nào đực, con nào cái. Về đi! Vắt tay lên trán mà suy nghĩ.
Quốc thất thểu ra về. Ức quá! Chơi bài ngửa thế thì há miệng làm sao được nữa. Đúng là gừng càng già càng cay xóc mũi. Không đâu lại nhắc đến Lan. Mà nhắc đến Lan là nhắc đến Đumynhette của đời Quốc. Cậu thấy lòng mình chùng hẳn lại. Chao ơi! Sau những giờ hành quân mệt lả chuẩn bị cho diễn tập cuối khóa, nghĩ đến nàng là thấy mọi đau nhức tan biến.
Quốc quen Lan khi hai trường giao lưu văn nghệ. Khi đó, Lan là giọng ca nổi bật của Trường Ngân hàng. Còn Quốc thì biểu diễn tiết mục vừa viết thư pháp vừa múa võ. Trước khi vào trường sĩ quan, Quốc vốn đã có huyền đai Việt võ đạo. Lan xinh xắn, ngoan ngoãn mà học giỏi. Quốc cao lớn, dáng vẻ đầy nam tính, khỏe khoắn lại thông minh, sáng dạ. Hai đứa nhanh chóng mến nhau, để rồi họ nhận ra tình yêu của nhau.
Con đường tình yêu của hai đứa cũng đầy trắc trở. Họa hoằn lắm mới gặp được nhau. Trong khi đó cô hoa khôi trường ngân hàng lại lắm kẻ tăm tia. Con lão giám đốc nọ. Con vị lãnh đạo kia. Cứ dập dìu xe cộ đến trước cổng trường lúc tan giờ chiều mong được đón đưa. Vượt qua được những ong ve ấy thì lại còn chốt chặn cuối cùng, đó là bà mẹ. Sau lần Lan đưa Quốc về nhà bị mẹ Lan khó chịu ra mặt, đến giờ cậu cũng chưa dám bén mảng tới căn nhà nhỏ vùng ngoại ô của họ lần nữa.
Lan kể, mẹ từ lâu vẫn mang trong lòng nỗi dằn vặt rất lớn với người lính. Hai mẹ con cô bị phụ bạc từ khi cô mới chào đời, Lan không hề hay biết. Cô chỉ lờ mờ hiểu rằng đó có thể là một quân nhân.
Bây giờ thì hai đứa ngồi bên bờ hồ Nguyên phi Ỷ Lan. Quốc bỗng thấy ghét cái nơi vốn rất thơ mộng này.
- Nếu anh phải ra quân, em còn yêu và lấy anh không?
- Ô hay? Sao hôm nay anh nói lạ vậy? Ra quân là thế nào? Anh vẫn đang học tốt kia mà?
Quốc bỗng nhiên thấy tức khí dồn lên tận mang tai:
- Nghĩa là nếu tôi không thể trở thành một sĩ quan thì cô sẽ bỏ tôi có phải không?
Cậu vùng vằng bỏ về. Đường từ công viên về Trường dài lê thê, trong khi những lúc khác Quốc chỉ cần ít phút cách nhau giữa lời tạm biệt người yêu và lời báo cáo chỉ huy có mặt ở đại đội. Đi toi hai gói kẹo lạc để thằng Thắng “phòng không” nhường cho xuất ra ngoài doanh trại tối thứ Bảy. Sau giờ điểm danh, Quốc trèo tót lên giường trùm chăn kín đầu. Yêu đương đúng là khổ thật. Hạnh phúc thường đi kèm khổ đau, Quốc thấy con tim nghẹn đắng.
Nghĩ lại, con đường trở thành sĩ quan trong thời đại kim tiền này đúng là lắm thiệt thòi. Nhưng khi lựa chọn nó, Quốc chưa từng đắn đo suy tính thiệt hơn. Thế mà bây giờ sau bốn năm trời, sắp hoàn thành khóa học rồi, lại thấy phân vân quá. Lớn lên trên đất quê nghèo, khó khăn, vất vả không phải là trở ngại. Quốc chỉ sợ mình hèn yếu trước người yêu.
Chiều hôm trước hành quân qua phố về Trường. Cả đơn vị lỉnh kỉnh ba lô, thùng, chậu, quốc, xẻng... Quần áo sau mười ngày học dã ngoại nơi rừng núi, lạc giữa hai bên phố xá thơm phức mùi nhung lụa. Quốc cúi gằm mặt sau vành mũ cối mà vẫn thấy những ánh nhìn của  nam thanh, nữ tú như khoan vào cơ thể. Bỗng đâu, hai thằng choai choai tóc xanh đỏ lượn xe máy vèo vèo, chen vào giữa hàng quân đi vào ngã rẽ. Thằng Sơn, thằng Thuận, thằng Trường luống cuống tránh xe, va vào nhau loạng choạng. Quốc nhanh như cắt túm được đầu con Spacy kéo khựng lại. Tay kia bằng một thế võ khóa vòng qua vai hai thằng làm chúng mặt nhăn như bị. Người đi đường xúm lại xem. Mấy anh em lấy làm hỉ hả lắm. Đúng khi ấy, Trần Hanh chạy từ đầu hàng quân xuống. Giọng chắc nịch:
- Quốc, buông tay ra! Đây không phải chỗ để nổi máu yêng hùng. Rõ chửa?
Hai thằng trước khi lướt xe đi còn ném về phía Quốc một cái nhìn đắc ý. Về đến doanh trại, Đại đội trưởng tập hợp đơn vị, gọi Quốc lên trước hàng quân xạc cho một trận vì sự thiếu kiềm chế. Quốc nhìn người chỉ huy nhỏ thó nói bâng quơ: phải kiềm chế kẻo nó búng cho một cái, có khi bay lên tận đỉnh cột điện.  May mà Trần Hanh không nghe thấy.
Sáng chủ nhật, Lan vào thăm Quốc. Được thằng Tiến-a trưởng báo tin, Quốc thất thểu chạy từ vườn tăng gia về. Đại đội trưởng đã ngồi tiếp chuyện Lan trong phòng sinh hoạt đại đội từ lâu. Thấy Quốc về, anh đứng dậy ra ngoài. Không hiểu câu chuyện của hai người ra sao mà Lan thì buồn buồn, còn Trần Hanh thoắt bỗng trầm tư,...
- Em vào đây làm gì? Nhắn anh ra ngoài là được mà!
- Em cũng muốn xem anh ăn ở thế nào ở trong đơn vị. Với lại, em sợ anh vẫn giận em, nên sẽ không ra tìm em nữa.
Mắt cô ngấn nước. Quốc thấy lòng dâng niềm ân hận. Lẽ ra tối qua, cậu không vùng vằng một cách vô cớ như thế. Từ trước đến giờ, Lan vẫn yêu Quốc chân thành. Hồi mới quen nhau, cũng một lần hành quân qua phố giữa chiều hè oi bức, Lan đã đạp xe theo đoàn quân cả một chặng đường dài. Trong giỏ xe có cả chục chai nước suối ướp lạnh trao tận tay từng anh em trong Tiểu đội. Lại còn lấy khăn lau mồ hôi cho Quốc trong tiếng vỗ tay rào rào...
- Anh xin lỗi! Cũng bởi nhiều chuyện làm anh phiền lòng quá! Mà C trưởng nói gì với em thế?
- Chú ấy bảo Quốc học giỏi, nhưng nghịch ngợm. Dặn em khuyên bảo anh chấp hành quy định của Nhà trường cho tốt thì sẽ có tương lai. Chú ấy còn hỏi em ở đâu, con ai. Mà hình như em giống một người bạn của chú ấy...
- Hắc xì dầu thế thì làm gì có bạn! Em yên tâm! Hôm trước anh nóng giận nhất thời thôi! Không vấn đề gì đâu. Em cứ về đi! Chiều anh ra thăm. Mai 8/3-không phải ngày nghỉ. Tối nay anh ra khu trọ tặng hoa sớm cho em.
 Lan về. Quốc lại được Trần Hanh gọi sang phòng chỉ huy. Đại đội trưởng từ tốn:
- Cậu yêu cô ấy lâu chưa? 
- Chẳng giấu gì anh, gần hai năm ạ!
- Yêu thật lòng hay chỉ chơi bời?
Quốc giãy nảy:
- Sao anh hỏi lạ vậy?
Đại đội trưởng giọng lạnh tanh:
- Vì tôi quản lý học viên sĩ quan, chứng kiến cuộc tình sinh viên rồi. Yêu nhau thì bảo là chung tình với người ta. Ra trường rồi, tếch về đơn vị không một lời từ biệt.
Quốc đứng bật dậy, cay nghiệt:
- Anh có thể có thành kiến với em, nhưng không thể đánh đồng em với bọn chim chuột. Em là thằng quân tử, yêu đương đàng hoàng để tính chuyện mai sau. Không như ai kia sắp chết già mà vẫn một mình.
 Rồi bỏ mặc Đại đội trưởng đứng như trời trồng, cậu bước nhanh ra ngoài. Suýt đâm sầm vào Hoàng Quốc Việt từ trong phòng Chính trị viên đi ra. Việt kéo Quốc vào phòng mình.
- Quốc! Em nói vậy là không đúng đâu! Anh cũng cấm em xúc phạm đến chuyện đời tư của C trưởng.
Qua câu chuyện của Chính trị viên Hoàng Quốc Việt, Quốc được biết Trần Hanh vốn là lính trở về từ chiến trường Campuchia. Lính đặc công gan lỳ cóc tía. Trần Hanh chiến đấu dũng cảm có tiếng. Nhưng không hiểu vết thương gì đó trong những ngày trải qua chiến trận khiến cho không còn khả năng sinh con. Chính vì vậy từ khi được điều về làm cán bộ quản lý học viên tại Nhà trường, mặc dù được anh em trong đơn vị mai mối cho nhiều đám nhưng Trần Hanh một mực từ chối.
Quốc thấy hối hận về những lời nói của mình. Cậu quay lại phòng Đại đội trưởng định bụng xin lỗi Trần Hanh. Phòng vắng tanh. Đại đội trưởng khó tính của cậu đã đi ra ngoài.  
          Bảy giờ tối, Quốc lại được Tiểu đội trưởng Tiến nhường cho cái giấy ra ngoài. Cậu ôm bó hoa đến khu trọ trường ngân hàng. Từ xa Quốc thấy mấy thằng đầu trọc đã đứng nghênh ngang trước con ngõ nhỏ dẫn vào khu trọ của Lan. Quốc thấy trống ngực bỗng đập loạn. Hình như có chuyện chẳng lành. Mấy sinh viên từ ngõ khác ló ra gọi Quốc:
          - Bạn ơi! Đừng vào đó! Bọn xã hội đen đấy!
          Quốc càng thấy lo lắng. Trong kia là Lan. Quốc hít một hơi thở sâu rồi đường hoàng đi tới. Hai thằng du côn liền ngăn lại:
          - Ở đây không hoan ngênh mày. Chỗ này đã được đại ca Chiến bao trọn gói.
          Quốc lờ mờ hiểu ra sự việc. Cái thằng được gọi là đại ca ấy vốn là một cây si thường trồng trước cổng trường đón Lan. Nghe đâu nó là con của một lãnh đạo địa phương. Quốc nhìn vào phòng trọ. Thằng Chiến đấm tay rầm rầm lên cánh cửa đóng kín gọi Lan.
          - Các anh không được làm mất trật tự nơi công cộng. Dừng lại ngay! Nếu không tôi sẽ báo công an! Quốc nói
          Thằng mặc áo đen quắc mắt:
- Dọn đường cho mày sống không muốn thì chết này!
          Nó vung tay. Một lưỡi mã tấu mỏng như lá lúa văng ra. Quốc né người như một phản xạ tự nhiên. Taycầm mã tấu của gã du côn vừa xoài qua hông, cậu đã xoay bàn tay chém mạnh vào cổ tay của gã. Lưỡi mã tấu rơi xuống đất. Gã du côn ngã chúi về phía trước. Đúng lúc ấy, thằng thứ hai đã dùng côn nện hết sức bình sinh vào lưng và vai Quốc. Cậu loạng choạng ngã xuống. Chỉ nghe phía sau những thằng du côn khác đang huỳnh huỵch bước chân chạy tới và những thanh mã tấu rít lên lạnh lẽo.
          Thế rồi một chiếc xe máy chở một người đàn ông và một người đàn bà lao đến. Người đàn ông gần như bay từ trên yên xe xuống hiện trường. Hai thằng xã hội đen gần Quốc nhất “hự” lên một tiếng. Quốc ngẩng đầu dậy thấy người kia tuy nhỏ thó mà khỏe khoắn và nhanh như cắt. Chỉ bằng mấy thế võ hiểm đặc sản của bộ đội đặc công, anh đã đánh ngã ba tên du côn còn lại chỉ trong chớp mắt. Khi ấy, những cảnh sát khu vực cũng đã có mặt. Họ nhanh chóng sấp tới khống chế mấy thằng tiểu lâu la và cả thằng “công tử” sặc sụa mùi rượu vẫn đang lảm nhảm: Lan ơi! Đêm nay anh phải trở thành chồng em.
          Người phụ nữ đã dựng xe đến nâng Quốc dậy. Sống lưng Quốc lạnh toát. Nhạc mẫu tương lai chứ ai. Mới gặp một lần mà Quốc đã thấy chờn. Nhưng người phụ nữ đã cười hiền:
          - Cháu có sao không?
          Giọng nói nghe thật ấm áp. Người mẹ cùng với Quốc đi vào trước cửa phòng trọ. Cửa mở ra. Cô gái gục đầu vào vai mẹ khóc thút thít. Trong khi người bạn cùng phòng mặt vẫn còn xanh lét vì sợ.
          Bên ngoài, người đàn ông dũng cảm đang nghe anh cảnh sát khu vực phân bua:
          - Anh thông cảm! Chúng tôi nhận được điện báo đúng lúc đang phối hợp làm nhiệm vụ ở phường bên cạnh. Chết tiệt! Đêm nay sao mà nhiều vụ việc quá.
          - Không sao! May mà tôi đến kịp. Các anh đưa chúng nó về đồn công an phường giải quyết.
          Giọng nói nghe quen quen. Quốc nheo mắt nhìn dưới ánh đèn cao áp sáng mờ. Cậu lại giật thót. Người ấy chính là Trần Hanh. Anh tiến về phía Quốc:
          - Thế nào ông tướng? Không có vấn đề gì chứ?
          Quốc tắc nghẹn, không nói được câu nào. Có tiếng xe rồ ga tới. Một chiếc ô tô sang trọng lướt đến đỗ xịch vào vệ đường. Người đàn bà lao xuống xe bù lu, bù loa:
          - Ới Chiến ơi! Ới con ơi! Con có làm sao không? Bà ta quay sang người đàn ông cũng vừa bước xuống từ ghế lái: Ông phải làm gì đi chứ!
          Nhận ra vị sếp có vai vế nọ, Trưởng công an phường đi tới. Anh chụm đầu vào ông ta kể lại sự tình. Ông sếp nghe xong lừ mắt quát vợ:
          - Còn khóc lóc gì nữa! Mau xin các anh ấy đưa thằng con về!
          Trưởng công an phường nói to, chủ yếu để cả Trần Hanh và Quốc nghe thấy:
          - Vâng, thực ra cháu Chiến cũng chưa tham gia ẩu đả!
          Ông sếp lúc lắc cái đầu:
          - Các anh cứ giải quyết đúng người, đúng tội. Cũng phải ý kiến với đơn vị bộ đội nữa. Sao lại để chiến sĩ ra ngoài ẩu đả với dân như thế…
          Quốc nghe xong bật dậy. Cậu định ra đôi co với người kia. Nhưng một bàn tay ấm nóng đã đặt lên vai ấn cậu ngồi xuống. Trần Hanh-khuôn mặt La hán đang nhìn Quốc đầy cương nghị.
          Gia đình “công tử” đi rồi. Người Trưởng công an phường đến bên Trần Hanh:
          - Anh đưa quân của mình về đi! Việc còn lại chúng tôi sẽ giải quyết. Tôi cũng đã yêu cầu lực lượng dân phòng thường xuyên để mắt tới khu trọ của sinh viên để tránh xảy ra những sự việc. Dù sao ông ấy cũng là lãnh đạo, anh hiểu cho…
          Hai mẹ con Lan quay vào phòng trọ. Quốc leo lên xe máy theo Trần Hanh về. Cả đường đi cậu không dám mở miệng. Về đến doanh trại, Quốc định theo Trần Hanh vào phòng Đại đội trưởng, nhưng anh đã nói gọn lỏn:
          - Muộn rồi! Về chuẩn bị điểm danh!
          Ngày thứ hai không có tiết. Đơn vị tự ôn tại nhà. Quốc thấy thời gian dài lê lết. Buổi trưa, lên căng tin gọi điện cho Lan, Quốc đã được  nghe cô kể lại đầu đuôi câu chuyện…
          Thì ra tối hôm trước, trong khi Quốc ra chợ mua hoa tặng người yêu thì Trần Hanh đã xuống tận nhà Lan. Anh nói với mẹ Lan rằng: Quốc là một học viên tốt, thông minh, học giỏi, hào hiệp; chỉ phải cái tội còn bồng bột, ham chơi một chút. Chịu khó trui rèn sẽ nên người. 
Bây giờ thì rõ rồi. Người đàn ông đã phụ bạc mẹ Lan chính là ông Thiếu tá, Đại đội trưởng này. Lan kể: ngày trẻ, ông ấy và mẹ Lan đã từng có thời gian yêu nhau say đắm. Khi ông ấy được chọn đi làm nghĩa vụ quốc tế bên nước bạn,  mẹ Lan vẫn một mực đợi chờ. Thế mà khi về thì tuyên bố đã có gia đình ở miền trong và một mực yêu cầu mẹ Lan đi lấy chồng.
          Mẹ Lan lấy chồng thật. Chỉ có điều người chồng ấy là một người đàn ông trăng hoa. Khi bà sinh Lan, cũng là lúc ông ta đi xuất khẩu lao động rồi lấy vợ Tây, định cư ở xứ người. Lan bảo, cô sẽ phải vào tận đơn vị Quốc, tìm Trần Hanh, đòi lại công bằng cho mẹ.
          Nghe xong, Quốc thủng thẳng:
          - Em có vào thì mời cả mẹ vào theo. Chúng mình làm mối cho họ nối lại tình xưa thì có. Ông ấy khuyên mẹ đi lấy chồng là vì sự cao thượng trong con người ông ấy đấy. Chẳng là…
Buổi chiều Tiểu đoàn trưởng xuống gọi Trần Hanh. Anh em học viên kháo nhau: Ông Trần “Hắc” lần này có lẽ “tiêu” rồi. Đêm qua dính vào vụ ẩu đả thế nào mà địa phương chẳng gọi vào tận Ban Giám hiệu. Chiều nay phải cùng chỉ huy Tiểu đoàn đến giải trình với cơ quan. Nghe chuyện, Quốc toát mồ hôi hột.
Thấy Đại đội trưởng lầm lũi đi về từ nhà chỉ huy Tiểu đoàn, Quốc chạy ngay tới:
- Báo cáo…dạ, thế nào rồi anh? Anh để em lên Tiểu đoàn trình bày. Lỗi này là của em.
Trần Hanh trừng mắt:
- Lỗi cái con khỉ! Vào kia rồi nói. Nghe đây! Chuyện hôm nay thực ra cũng không lớn. Tôi đã trình bày nội tình rồi. Tôi bảo nó là con gái tôi, tôi bảo vệ con mình một cách thái quá. Bà vợ ông sếp ấy gọi điện vào Trường cũng chỉ nói chung chung. Tôi có nhận một cái án kỷ luật vì không kiềm chế trong quan hệ với dân cũng là xứng đáng. Còn cậu, tương lai dài lắm. Bớt cái tính bốc đồng đi. Sống cho nó chỉn chu hơn một chút. Hiểu chửa?
Quốc rơm rớm nước mắt:
- Anh phải chịu tội thay em, thì em còn mặt mũi nào mà học hành ở đây  nữa.
Trần Hanh vỗ vai Quốc:
- Hì! Đấy là lo xa. Có chăng nữa thì tôi cũng là vì mẹ con cô ấy chứ không hẳn vì cậu. Cô ấy đã chịu nhiều khổ ải rồi, không thể lại kiếm được một thằng rể chẳng ra gì. Hứa với tôi, cậu phải học rèn cho tốt. Ra trường là sĩ quan tốt. Hứa không?
Quốc khe khẽ gật đầu. Rồi cậu chợt nảy ra một ý:
- Em nhận lời nói dối cấp trên một lần này thôi. Nhưng anh cũng phải hứa với em một điều...
Trần Hanh lừ mắt:
- Trong đời làm cán bộ quản lý học viên của tôi, không học viên nào có quyền mặc cả với chỉ huy đâu nhé!
- Em và Lan đã quyết định sẽ làm mai mối để anh quay trở lại với mẹ cô ấy. Ấy, anh đừng ngạc nhiên. Chuyện gì của chỉ huy mà học viên lại chẳng biết được. Đến từng con giun...
- Này, cậu dùng văn của tôi để “gậy ông đập lưng ông” đấy hả? Thôi được rồi! Cái đó tính sau! Còn để xem cô ấy nghĩ sao đã. Mà này, sao cậu lại mong tôi trở thành bố của Lan nhỉ. Khi ấy, cái ngữ cậu còn lâu mới vượt qua ải của tôi.
Quốc nhìn Trần Hanh. Khuôn mặt của anh vẫn không hề có một nụ cười nào. Nhưng đôi mắt thoạt nhiên trìu mến lạ!
                                                                              




[*] Chính trị viên Tiểu đoàn 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét