Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

NGÀY ẤY CHƯA XA

      Tác giả: Nguyễn Hữu Nghị
        Khoa Văn hóa Ngoại ngữ
 Với kinh nghiệm gần 20 năm làm công tác giảng dạy, khoác trên mình bộ quân phục, tôi luôn tự hào mình là “thầy giáo – chiến sĩ”, bây giờ đã được coi là “lão làng” trong con mắt các giảng viên trẻ của Khoa Văn hóa Ngoại ngữ. Ấy vậy mà mỗi lần ngồi phía cuối lớp dự giờ, kiểm tra giảng những tiết lên lớp đầu tiên của các giảng viên trẻ mới về Khoa công tác, trong lòng tôi vẫn dấy lên cảm xúc bồi hồi, khó tả. Dường như khi tôi lắng nghe, chăm chú theo dõi những gương mặt tươi trẻ căng tràn nhiệt huyết ấy, tôi lại bắt gặp hình ảnh của chính mình gần 20 năm về trước của một kỷ niệm luôn sống mãi trong tôi: buổi lên lớp đầu tiên trước đối tượng học viên hoàn thiện cao đẳng 18 tháng những năm 1996- 1998.
       Tốt nghiệp Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1995, đáng lí ra tôi phải là thầy giáo

của những cô cậu cấp 3 mới đúng, vậy mà cơ duyên lại đưa cuộc đời tôi trở thành người “lái đò” của những sinh viên mặc áo lính. Vẫn ngày ngày lên lớp với bảng, phấn, nhưng đối tượng thì hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung trước khi vào quân ngũ. Không phải là những cô cậu học trò tuổi mới lớn hồn nhiên, trong trẻo, tinh nghịch chỉ nhường lại hai vị trí đầu cho “nhất quỷ nhì ma”.

       Sau những tuần đầu bỡ ngỡ, tôi đã từng bước thích nghi, hòa nhập với đặc thù công việc, được Thủ trưởng Khoa cho “thử sức” trước các đối tượng học viên.
       Trung tuần tháng 11 năm 1998, tôi được Thủ trưởng giao nhiệm vụ huấn luyện mới: tham gia giảng dạy 2 lớp hoàn thiện cao đẳng 18 tháng. Đối tượng học viên của 2 lớp này, đa phần là những cán bộ đã trải qua thực tế công tác nhiều năm, quân hàm từ Thượng úy đến Thượng tá, trải qua các cương vị khác nhau, tuổi thanh xuân đã nhiệt thành cống hiến cho đất nước và mới chỉ học qua các lớp sơ cấp, trung cấp nay mới có điều kiện để học tiếp. Về tuổi tác, họ đáng bậc cha chú của tôi; về kinh nghiệm thực tiễn, họ giàu vốn sống và trải nghiệm, nhiều đồng chí trong lớp có lẽ tuổi quân còn nhiều hơn tuổi đời của tôi. Nhận nhiệm vụ, tôi mang tâm trạng bất an với cảm giác lo lắng dường như có một áp lực vô hình đang đè nặng, liệu mình có đủ tự tin, bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ trong khi chỉ có bầu nhiệt huyết tuổi trẻ và kinh nghiệm giảng dạy hơn một  năm.     
       Đêm trước hôm lên lớp, mặc dù đã chuẩn bị hồ sơ giáo án đầy đủ, đã tập giảng, thông qua bài khá trơn tru ở Khoa nhưng sao vẫn thấy chộn rộn trong lòng, một cảm giác hồi hộp, lo âu, thắp thỏm – một tâm trạng khó diễn đạt thành lời. Tôi vốn là người rất dễ ngủ, vậy mà không sao chợp mắt được. Cứ nhắm mắt vào là những dòng giáo án, những tình huống sư phạm của bài giảng ngày mai lại hiện lên trong tâm trí tôi, tiến trình bài giảng như được tua lại nhiều lần…Tôi chỉ mong sao cho trời chóng sáng để được lên lớp “công diễn” với không nhiều tự tin.
       6g30 phút, vào lớp, tôi bước lên bục giảng với tâm trạng khá hồi hộp, trống ngực đập thình thịch, nhịp tim có lẽ phải lên đến 150 lần/phút. Tôi đưa mắt nhìn một lượt xuống lớp học với những ấn tượng mạnh: 2/3 học viên trong lớp đeo kính lão, đa số mái đầu điểm bạc và quân hàm thấp nhất là Thượng úy…Mất mấy phút sau tôi mới lấy lại được cảm giác thăng bằng. Sau vài lời giới thiệu làm quen của buổi đầu lên lớp, tôi nghe có tiếng xì xào: “thầy giáo trẻ thế, hơn con gái út của tôi một tuổi”tôi làm như không nghe thấy và bắt đầu bài giảng. Tiết đầu tiên của chủ đề 3 học phần Lịch sử dân tộc: “Khái quát lịch sử văn hóa Việt Nam” chủ yếu là giải quyết các khái niệm văn hóa, văn minh, văn hóa học, cơ sở văn hóa, bản sắc văn hóa, văn hóa cổ truyền…có những khái niệm rất trừu tượng, không dễ cắt nghĩa, nhất là phải lấy ví dụ thực tiễn để minh chứng, mà tôi thì vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn còn ít ỏi. Một số học viên trong lớp còn kiểm tra kiến thức của thầy giáo trẻ bằng cách đưa ra một số câu hỏi có thể không khó nhưng mang yếu tố bất ngờ như “Nhờ thầy giải thích cho ‎ý nghĩa của nhà mồ, tượng nhà mồ và lễ bỏ mả của một số dân tộc ở Tây Nguyên”; “Vì sao trong thế giới hiện đại khoa học kỹ thuật phát triển, con người có sự hiểu biết sâu sắc về thế giới nhưng dòng người gia nhập các tôn giáo vẫn không ngừng gia tăng?”…Trong những trường hợp này, đối với đa số giáo viên trẻ nếu không bình tĩnh xử l‎ý các tình huống “phát sinh ngoài kịch bản” sẽ “toát mồ hôi hột”, loay hoay, dẫn tới cháy giáo án và có thể tiết học sẽ đi theo một hướng rất khác. Tôi thầm nghĩ, mình sẽ biến thách thức này thành cơ hội để khẳng định thương hiệu của Khoa Văn hóa Ngoại ngữ, thương hiệu của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi trả lời câu hỏi của các đồng chí học viên, tôi thường đặt các câu hỏi ngược lại để cả lớp cùng suy nghĩ, trả lời như: “các đồng chí có biết điểm khác nhau về của đồ cúng của đồng bào Tây nguyên trong lễ Bỏ mả với đồ cúng của đồng bào Kinh?”; “Mối liên hệ giữa người sống và người chết trước và sau khi làm lễ Bỏ mả”; “Những áp lực của cuộc sống hiện đại và nhu cầu tinh thần của con người?”…rồi tôi cố gắng vận dụng kiến thức, khả năng diễn đạt để làm sao có câu trả lời thuyết phục nhất trước cả lớp. Tiết học trở nên sôi nổi, khoảng cách tuổi tác giữa giáo viên và học viên dường như không còn nữa, tôi đã cảm nhận được những ánh mắt hài lòng, thân thiện, thái độ tôn trọng của lớp học.
       Giờ học kết thúc. Tôi thở phào nhẹ nhõm, một cảm giác sảng khoái, nhẹ nhõm ngập tràn, những lo lắng, mệt mỏi bởi một đêm mất ngủ dường như tan biến. Về đến Khoa, đồng chí Chủ nhiệm Khoa bắt tay thân mật hỏi “Thế nào? Hôm nay dạy ổn chứ”, tôi đứng nghiêm giơ tay thực hiện động tác chào: “Báo cáo Thủ trưởng, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ!”.
 


Tiếp Bước

Trịnh Trọng Tuân
 Kính tặng chú Đỗ Xuân Cường 
Chú Đỗ Xuân Cường là chiến sĩ dũng cảm đã trình bày phương án và tham gia “mở đường máu” tại trận quyết chiến Phước Yên của K8 vào tháng 4/1968. K8 ngày đó tức Trung đoàn BB38 ngày nay. 
Bài thơ được viết để tặng chú Cường cùng những người lính trở lại thăm Trung đoàn nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Trung đoàn BB38 “Đoàn Gio An anh hùng” (20/9/1954 – 20/9/2014).


Chú Cường ơi!
60 năm một chặng đường lịch sử
Trung đoàn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành
Là mồi hôi, nước mắt và máu xương
Của biết bao Anh hùng như các chú
Đã hi sinh cho tự do dân tộc
Cho hạnh phúc, ấm no triệu triệu đồng bào
Cho chúng cháu có được lòng tự hào
Những người lính hôm nay
Viết tiếp chiến công trang sử oai hùng     
Chắc tay súng nguyện bước theo cờ Đảng
Quyết một lòng vì Tổ quốc, Nhân dân
Để xứng đáng người quân nhân cách mạng
Người Chiến sĩ Gio An “dũng cảm”, “kiên cường”.
                                                                  
                                                                             Tháng 8 năm 2014

KỶ NIỆM VỀ MỘT HỘI THI

Ký ức

* Ngô Xuân Trường- Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ     
         Nhân vật: 
- Đại tá Hoài: Bí thưchi bộ- phó Chủ nhiệm khoa
- Thiếu tá Niệm: Tổ trưởng đảng - Chủ nhiệm bộ môn
- 2 Học viên: Nhớ - Thương
 (Tại phòng làm việc của bộ môn vào ngày nghỉ, không gian im lặng), (cảnh trí: có bàn ghế, ấm chén, phích, có bàn làm việc trên bàn có vài quyển vở).
              Niệm: (Đi vào): Lạ thật…! Hôm nay ngày nghỉ, ai vào mở cửa mà cấm thấy người đâu… chẳng lẽ chiều qua về mọi người quên khóa cửa.
          (Ra đứng ở bàn làm việc vừa dở sách vừa ngêu ngao hát) "Ngời sáng CN Mác Lê nin… Ngời sáng tư tưởng Hồ Chí Minh…Đưa cách mạng Việt Nam… tiến tới thành công… là la lá la … là la lá la…
          Tình tinh tính tinh… tình tinh tính tinh.
Hoài: (Đi vào): Niệm đấy à… Hôm trước cậu đăng ký đi tranh thủ về quê, sao giờ này vẫn đây?
Niệm: Anh à! tuần này em định về nhà, mấy tuần  không về rồi nhưng còn bài hội thảo Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 em viết rồi nhưng cảm thấy chưa ưng lắm đang tranh thủ sửa lại. Và em cũng hẹn mấy cậu học viên lên trao đổi cái đề tài khoa học mà em hướng dẫn anh ạ… Anh vào từ bao giờ?

Hoài:Mình vào được một lúc rồi.
Niệm: Tổ chức hội thảo Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh nên các bài tham luận phải viết cẩn thận tí anh ạ. Chúng em không được trực tiếp tham gia chỉ nghe qua đài, báo và phim nên khó viết ra phết anh ạ.
Hoài: Ừ! Thông qua các bài tham luận trong hội thảo để giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta, nên cũng cần có những kiến thức, và tư liệu thì bài viết mới có sức thuyết phục.
Niệm: Vâng em cũng nghĩ vậy, nên cứ lăn tăn mãi.  Mà ngày nghỉ anh vào có việc gì đấy?
Hoài: Ừ mình vào có tý việc... Niệm này, tớ đố cậu biết buồng chuối kia có bao
           nhiêu nải?
Niệm:Cái buồng chuối ở cạnh nhà tắm của khoa ta chứ gì?… Buồng ấy… giỏi lắm thì 10 nải chứ mấy.
Hoài:Sai, sai bét! 18 nải đấy cậu ạ.
          Cậu thấy không, đúng là cái anh phân lân nung chảy tốt ra phết… quả to… đều… trông như chuối vẽ.
Niệm:Trời ạ, anh lại vào chăm mấy cây chuối chứ gì, đúng là…trẻ trồng na, già trồng chuối!
Hoài:Cậu nói đúng! đó là quy luật của cuộc sống… con người sinh ra, già đi, bệnh rồi chết, đúng là sinh - lão - bệnh - tử. Già thì phải nghỉ, rồi cũng phải chết chứ ai sống mãi được. Đã đến tuổi nhà nước cho nghỉ nghĩa là sức khoẻ giảm sút rồi, trình độ năng lực thì có hạn nghỉ là lẽ đương nhiên tre già thì măng mọc mà.
Niệm:Kìa anh… em xin lỗi… em không có ý gì đâu, chỉ là câu cửa miệng thôi mà.
Hoài: Không… có sao đâu… mà cậu nói đúng lúc lắm. Tớ có chuyện này cũng muốn tâm sự, nhưng không  biết bắt đầu từ đâu…
Niệm:Có chuyện gì hả anh? Mà trông anh dạo này thần sắc không được tốt. Các anh có tuổi rồi mà vẫn phải làm việc suốt ngày, nào thì chỉ đạo điều hành huấn luyện, duy trì hành chính quân sự, nào thì họp hành, giao ban, nào thì đề tài khoa học các cấp rồi vẫn phải đề tài cá nhân nữa chứ.
Hoài:Ừ, tuy có mệt nhưng cũng thấy vui cậu ạ, bọn mình mà ngày nào không có việc cũng thấy buồn. Có việc làm cảm thấy thời gian đỡ tẻ nhạt hơn.
Niệm:Anh ngồi đây, em pha ấm  trà anh em mình cùng uống.
Hoài: Cậu cứ pha mà uống, tớ lâu lắm có uống trà khô này đâu, chỉ uống trà xanh thôi.
Niệm:Vâng!..về ở với anh chưa được lâu nhưng  em biết chứ!
Hoài:Niệm này! mấy hôm nay lên lớp, đứng trước học viên thấy những cặp mắt chăm chú nghe giảng của học viên mình thấy thật hạnh phúc.
          Nhưng, không biết vì sao dạo này mình hay nghĩ về quá khứ thế, cứ nằm nghỉ là nghĩ về cảnh chiến trường ngày xưa.
Niệm:Anh nói sao? em không hiểu! có chuyện gì hả anh?
Hoài:Ừ! Nói sao nhỉ?   (Nhạc trầm  hùng).
          Mới hôm nào… là chàng trai 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, gác bút nghiên lên đường đánh giặc.
          Sau 3 tháng huấn luyện… thế là hành quân đi miết… ngày nghỉ, đêm đi… hàng tháng ròng. Vào đến chiến trường Quảng Trị… nơi kẻ thù đặt cho cái tên: "Vùng đối đầu lịch sử" bắt đầu làm quen cơm vắt, ngủ hầm, đào hào vây lấn. Từ một anh thư sinh trở thành một chàng lính trẻ… rồi những đêm sốt rét trong rừng, những ngày đói bấm lòng chờ giặc tới.
          Cậu biết không!
Niệm:Sao hả anh?
Hoài:Hồi ở nhà… bọn con gái làng ghen với làn da trắng như trứng gà bóc của mình, nhìn mà thích. Vào chiến trường, lần đầu giáp mặt với quân thù dầm ra quần lúc nào không hay.
          Ấy vậy mà chỉ sau vài trận sốt rét da thì mái, môi thì thâm, nhưng được cái trong mưa bom bão đạn suốt 81 ngày đêm thành cổ, mình vẫn trụ vững… không mảy may sứt sát gì.
          (Nhạc buồn…)
          Trong khi đó đã có  biết bao đồng đội ngã xuống, khi tuổi còn rất trẻ… phải nằm lại nơi núi rừng…
Niệm:Thời các anh cả nước lên đường, cả dân tộc ra trận…
Hoài:Không hẳn vậy đâu …
          Cũng có người hiên ngang ra trận, anh dũng hy sinh với niềm tin thắng giặc, nhưng cũng có kẻ tham sống sợ chết, lẩn trốn, đảo ngũ, trốn tránh trách nhiệm với dân tộc.
Niệm:Vâng… chính niềm tin đã làm nên một kỳ tích của dân tộc…
          (Nhạc hào hùng)
Hoài:Sau đó mình tham gia đánh cửa Việt: 1973, Thượng Đức 74 và cùng đoàn quân hành quân thần tốc tiến vào dinh lũy cuối cùng của Mỹ trưa 30/4.
          Sau chiến dịch, mình được cử về SQ CT học… ngày ra trường lại tham gia
chiến dịch biên giới Tây Nam.
          Đúng là lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của quá trình chống giặc ngoại xâm.
Niệm: Chuyện của anh hôm nay em mới được nghe… Nhưng tại sao hôm nay
           anh lại nhớ lại ký ức như vậy.
Hoài:Niệm ạ… trong cuộc sống… ít ai tự nói về mình.
          Nhưng mình phải biết mình là ai, biết mình đang ở đâu.
          Tớ nghĩ… bọn tớ quá độ rồi, không được đào tạo cơ bản như các cậu hiện nay. Vậy mình nghĩ nên rút về hậu trường, để vị trí này cho các cậu mới đúng. Vì thời đại này là thời đại của khoa học công nghệ rồi, chứ thứ chủ nghĩa kinh nghiệm như bọn mình không còn phù hợp nữa…
Niệm: Anh nói vậy chứ bọn em còn phải học các anh nhiều, nhất là vốn sống, kinh nghiệm.
          À … thế còn một bí mật của anh nữa… thấy các anh kể lại… em chưa rõ… anh hay uống chè xanh… mà phải là chè quê anh…
Hoài: Ừ! Tốt nghiệp SQCT… được nghỉ 15 ngày phép về quê… các cụ đã dạm sẵn cho một cô giáo trường làng, thế là cưới, sau 5 ngày mình lên đường.
          Trước hôm đi các cụ trong làng đến chia tay… vợ nấu nồi nước chè xanh mời các cụ, rồi đưa cho mình một bát chè xanh nóng và nói: Anh uống đi, không đâu chè xanh ngon bằng chè quê mình, vừa xanh nước, vừa đượm tình.
             Ở quê mình cứ vào buổi trưa hè các gia đình nấu chè xanh gọi nhau sang cùng uống, vậy mới có câu "trưa nắng hè gọi nhau dâm dan chè xanh".
          Sáng hôm sau trước khi đưa mình ra tàu đi nhận nhịêm vụ mới, vợ đưa cho mình một cuốn sổ tay, dở trang đầu là dòng chữ của một cô giáo trường làng, có đoạn viết:
                             Ngày mai anh lên đường
                             Lòng em dõi theo anh
Hương vị nước chè xanh
Theo anh ra mặt trận
Dẫu đợi tháng, đợi năm
Em tin ngày chiến thắng
Giặc tan anh trở về
Chè quê đượm mời anh.
Những câu này viết mộc mạc… giản dị thôi… mà chất chứa tình yêu thương… chất chứa niềm hạnh phúc; nói lên sự đợi chờ, niềm tin thắng trận của những người vợ khi chồng đi chiến đấu.
Niệm:À… vậy là những suy tư… những trăn trở của anh hiện về từ ký ức.
Hoài:Nhất là khi các cháu học xong đi làm, ở nhà còn mỗi mình bà xã.
Niệm: Nhưng bây giờ 2 cháu đã trưởng thành, đã tự lập cuộc sống.
Hoài:Chính vì vậy mình mới thấy thương bà xã mình suốt đời lầm lũi, tần tảo một mình nuôi con, cho đến giờ chưa được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Quá nửa đời người trong quân ngũ… hơn 20 năm đứng trên bục giảng… Mình cảm thấy không hổ thẹn với những gì mình đã làm. Xong cứ nghĩ lại càng thấy thương bà xã, hơn 30 năm cuộc sống vợ chồng mà chẳng mấy khi được gần nhau, chẳng giúp được gì cho bà ấy.
Nhớ & Thương: (Bước vào, cả 2 đồng thanh) Em chào 2 thầy ạ!
Niệm:Các em đến từ khi nào vậy?
Nhớ:Dạ… thưa…
Thương:Thưa thầy em đến từ ban nãy…
Niệm:Vậy là… các em đã…
Thương:Chúng em xin lỗi 2 thầy, lẽ ra chúng em không…
Hoài:Kìa… không sao… vào đây…
          Nhớ lần sau đã đến theo hẹn thì vào, nay mai ra trường làm cán bộ chính trị  mà rụt rè thế là không được đâu.
Nhớ:Nhưng bọn em sợ làm cắt đứt mạch tâm sự của 2 thầy, qua được nghe những điều 2 thầy tâm sự, chúng em rút ra 1 điều, trong công việc luôn phải có nghị lực và niềm tin . Các thầy là những tấm gương chúng em phải học tập
Hoài:Em nói đúng… làm gì cũng phải có niềm tin, nếu không có niềm tin sẽ không làm được gì cả.
          À… thế có phải 2 em lên để thầy Niệm  hướng dẫn nghiên cứu khoa học có phải không?
Nhớ và Thương: Dạ… vâng ạ!
Niệm: Báo cáo anh… đây  là 2 cậu em hướng dẫn nghiên cứu khoa học đấy anh ạ!
Hoài:Tốt lắm!
          Các em định viết về đề tài gì?
Nhớ:Thưa thầy chúng em định viết về vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho học viên đào tạo chính trị viên ở Trường ta thầy ạ.
Hoài:Hay lắm, đề tài này theo mình nghĩ rất hay, đúng vào lúc cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang được tổ chức sâu rộng trong toàn quân, lại gắn với việc Nhà trường đang triển khai gặp mặt, tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa. Theo mình đây là đề tài rất có ý nghĩa thực tiễn. Các em đang là người đi tuyên truyền cho cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vậy các em có suy nghĩ  gì về kết quả thực hiện nghị quyết Trung ương 4.
Thương:Thưa thầy… em nghĩ… Sau đợt tự phê bình và phê bình mỗi đảng viên đều có nhận thức đúng về việc tu dưỡng, rèn luyện và sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của mình nên sẽ có kết quả tốt ạ.
Hoài:Em dựa vào đâu?
Thương:Dạ… thưa thầy…
Nhớ:Thưa thầy…
Hoài:Em cứ trao đổi ý kiến của mình.
Nhớ: Thưa thầy… theo em… kể ra… cũng khó, vì theo em cái quan trọng nhất là sau tự phê bình và phê bình mỗi đảng viên rút ra được điều gì và phải làm gì?
Hoài: Em nói đúng, kể ra việc nêu ra các điểm mạnh, điểm yếu trên các nội dung kiểm điểm thì ai cũng sẽ viết  ra được thậm trí viết rất hay, nhưng vấn đề là ở chỗ sau buổi sinh hoạt mỗi đảng viên phải tự nhận thấy mình phải điều chỉnh mình, sửa chữa mình như thế nào để gắn với việc thực hiện nghị quyết.
Niệm: Anh ạ, ngay cả việc làm bản tự kiểm điểm không phải tất cả mọi đảng viên đều đã nhận thức đúng đâu; đợt kiểm điểm vừa rồi vẫn có đảng viên làm bản tự kiểm điểm một cách rất hời hợt, làm cho qua chuyện, dẫn đến phải viết đi viết lại vài lần và sau đó là xác định kế hoạch tu dưỡng phấn đấu của một số đảng viên còn chung chung, thiếu cụ thể, mà việc học tập tấm gương của Bác là từ những việc làm rất cụ thể.
Hoài: Đấy! chính việc làm đó của các tổ đảng và cấp ủy là thể hiện sự nghiêm túc trong thực hiện nghị quyết; và đó cũng là biện pháp để nâng cao nhận thức, thái độ trách nhiệm của đảng viên khi thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đấy.
Thương:Dạ…thưa thầy… em cũng nghĩ vậy.
Niệm:Là đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình  phải gắn với việc học tập ngay cách tiếp thu sửa chữa khuyết điểm của Bác. Vì vậy để sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế sau tự phê bình và phê bình đòi hỏi chúng ta phải thực sự nghiêm túc, mỗi đảng viên phải có kế hoạch phấn đấu tu dưỡng cho bản thân mình. đồng thời phải có niềm tin và phải có cái tâm, mà tâm thì phải sáng, trí phải bền, phê bình phải đúng người, đúng việc, và phải có lòng tự trọng có vậy mới sửa chữa được những khuyết điểm, hạn chế của mình.
Hoài:Đúng! Mỗi chúng ta phải có lòng tự trọng và phải có quyết tâm sửa chữa.
Thương:Dạ… em hiểu rồi… các thầy đã cho em thêm một bài học, bài học làm người, bài học rèn làm chính trị viên. Chắc chắn  sắp tới bọn em sẽ có thêm niềm tin và có nhiều điều  bổ ích để đưa vào nội dung đề tài của mình.
Chúng em xin hứa sẽ thường xuyên tu dưỡng bản thân để xứng danh hiệu Bộ đội cụ Hồ, xứng đáng là người chính trị viên “vừa hông, vừa chuyên”
Hoài:Hãy hứa với lòng mình trước đã các bạn trẻ ạ. Quá khứ - hiện tại - tương lai luôn vận động theo quy luật dòng chảy, Cuộc sống có hoa thơm, quả ngọt và cũng có thác, có ghềnh, đòi hỏi mình phải cố gắng học tập, tu dưỡng rèn luyện thì mới đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ mới. Vì  Hoa hồng nào cũng có gai, nếu ai sợ gai sẽ không hái được hoa hồng.
Nhớ, Thương:Chúng em  cám ơn các thầy.
Hoài: Rồi! các em làm việc với thầy Niệm đi. Chúc các em đạt kết quả tốt đề tài giáo dục đạo đức cách mạng theo tư tưởng  Hồ Chí Minh .
Nhớ, Thương:Dạ cám ơn thầy./.


Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

MÁI TRƯỜNG THÂN YÊU VÀ TÔI

NGUYỄN VĂN HOAN[*]
Sau 4 năm học tập dưới mái trường Sĩ quan Chính trị với biết bao kỷ niệm vui, buồn, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những tình cảm ấm áp của những năm tháng cùng sống, cùng học tập và trưởng thành. Khoảng thời gian ấy tuy không dài so với một đời người, nhưng cũng đủ để in dấu vào lòng mỗi học viên những bài học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, những bài học thực tiễn về người lính; về cuộc sống thật sâu sắc và đáng quý.
Cổng trường mở ra rồi khép lại, đón và đưa lớp lớp các thế hệ học viên nhập học rồi ra trường, mang theo những thành quả của ước mơ mà họ đã ấp ủ  vào hành trang để cùng lớn lên. Và tôi - một học viên Lớp CM6B cũng vậy! Tháng 11 lại về, cái se lạnh của tiết trời Bắc Ninh đầu đông, những kỷ niệm sống lại trong tôi - như muốn nhắc về một mái trường thân yêu, gần gũi, ấm áp, nuôi lớn ước mơ của mình. Ước mơ trở thành viên của Trường Sĩ quan Chính trị hơn mười năm về trước - từ ngày tôi còn là một quân nhân chuyên nghiệp. Con đường dẫn tôi đến với ngôi trường này cũng nhiều khó khăn, nhưng bằng những nỗ lực của mình mà tôi đã được toại nguyện. Cổng Trường đã rộng mở đón chào khi tôi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển. Ngày đó thật đáng nhớ, đánh dấu sự thành công ban đầu trong nỗ lực biến ước mơ trở thành Sĩ quan Chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thành sự thật.


Nhớ xiết bao buổi đầu tiên bỡ ngỡ trên đất Bắc Ninh. Bước chân vào cổng Trường mà lòng tôi đan xen biết bao cảm xúc, vừa hân hoan trong niềm vui của một tân học viên trước một chân trời mới, vừa lo lắng không biết ngôi trường mới trên quê hương Kinh Bắc sẽ như thế nào…Nhưng rồi, tất cả cảm xúc ấy cũng trôi qua nhường chỗ cho những tiếng cười khi mà tôi được trực tiếp gặp mặt và giao lưu với các học viên cùng lớp.
Trong buổi học dự khóa, hình ảnh những người thầy; cán bộ quản lý giới thiệu về truyền thống; về mục tiêu, yêu cầu đào tạo; các chế độ, tiêu chuẩn, quy định của Nhà trường và chào đón những tân học viên hiện rõ trong ký ức. Truyền thống, mục tiêu, yêu cầu đào tạo, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị…tất cả đã mang đến cho tôi một cái nhìn mới về tầm quan trọng của chính trị và làm công tác đảng, công tác chính trị và niềm đam mê về ngành mình đang theo học. Tôi cảm thấy tự hào vì con đường đã chọn, càng tự tin hơn về tương lai và tự nhủ sẽ biến những kiến thức được trang bị ở Mái trường này trở thành năng lực giải quyết thực tiễn sinh động, hữu hiệu để phục vụ cho công việc phải đảm nhiệm sau này.
 Những tuần học đầu tiên đối với tôi thật  nặng nề, có lẽ vì chưa quen với phương pháp dạy và học mới ở bậc đại học, và cũng bởi vì tôi phải tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới mang tính chất lý luận trong khi tư duy của một người chuyên môn kỹ thuật và chưa chuẩn bị được nền tảng vẫn còn đó. Nhìn những cuốn giáo trình và những tác phẩm kinh điển tôi thốt lên “sao dày và nặng thế”! Kỳ đầu tiên với kết quả không như mong đợi đã làm cho tôi lo lắng. Tôi tự đổ lỗi cho Nhà trường vì chương trình và nội dung học không cuốn hút mà quên mất rằng chính mình đã không thực sự cố gắng và chú tâm vào học tập.
Và rồi tôi cũng nhận ra khi bạn bè xung quanh ai cũng học tốt và đạt thành tích cao. Khi đó tôi tự hứa với lòng mình phải tạm gác lại những gì chưa thật cần thiết, lấy tình cảm của những người thân yêu làm động lực để cố gắng. Tôi quan niệm, so sánh việc học của mình với sự làm lụng vất vả của người thân ở quê hương. Hãy sống và học tập làm sao để không phụ lòng gia đình dành cho tôi, của những đồng đội đang trực tiếp canh gác nơi đầu sóng, ngọn gió... Từ đó, tôi luôn nỗ lực trong từng công việc. Những lời tâm sự, động viên của thầy cô, bạn bè đã giúp tôi cố gắng nhiều hơn. “Mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng”. Tôi cải thiện được kết quả học tập, từ học viên có học lực khá đã trở thành học viên loại Giỏi. Tôi luôn nhớ  một câu trong tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải hồi học phổ thông: Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình trong những hy sinh gian khổ, sống ở đời không có đường cùng, chỉ có những ranh giới, vấn đề cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới ấy.
Trường Sĩ quan Chính trị đã trở thành niềm tự hào của riêng tôi và của tất cả các bạn. Ở đó, có những người Thầy thật tận tụy, những người bạn thật chân thành, tình người ấm áp. Những hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa lãnh đạo, chỉ huy các cấp với học viên làm cho khoảng cách giữa Nhà trường với học viên thật gần gũi. Tất cả đều hướng đến tạo môi trường tốt nhất để học viên có thể thể hiện khả năng và tố chất của mình. Nhà trường cũng luôn theo sát hoàn cảnh của mỗi học viên thông qua các tổ chức Đoàn, Hội đồng quân nhân, các buổi đối thoại dân chủ…kịp thời động viên, chia sẻ những khó khăn mà chúng tôi gặp phải trong quá trình học tập, rèn luyện.
Bây giờ, đã là một Sĩ quan, gần 8 năm học tập và công tác gắn bó với Mái trường, tôi càng thêm tin tưởng và hy vọng về tương lai phía trước. Niềm tin đó giúp tôi vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong công tác và rèn luyện, tôi tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì mà Trường đã giành cho tôi. Ngày hôm nay, tôi có thể tự tin nói rằng vào Trường Sĩ quan Chính trị là lộ trình đúng bởi nơi đây chính là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội. Là chìa khóa cho những ai muốn thay đổi. “Đến Trường Sĩ quan Chính trị - Học để thay đổi” luôn vang lên trong trái tim tôi. Tôi xin được gửi tới Thầy cô của Mái trường mến yêu lời hứa rằng: Dù ở nơi đâu, trong lĩnh vực công tác nào, làm bất cứ việc gì, tôi cũng sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với uy tín Trường Sĩ quan Chính trị. Cũng xin được gửi một lời chúc tốt đẹp nhất đến các bạn học viên đang học tập dưới mái Trường Sĩ quan chính trị hãy trân trọng những ngày tháng được sống trong mái nhà chung này!






[*] Phòng Chính trị

KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

TÌNH NGƯỜI THÀNH CỔ BẮC NINH



BÙI ĐỨC LONG[1]

Những cơn gió heo may đầu mùa khiến tiết trời đêm nay se lạnh, có lẽ trời đã chuyển hẳn sang thu. Tôi đang đứng gác giữa màn đêm, không gian yên tĩnh quá, dường như mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, đâu đó chỉ còn tiếng lá cây xào xạc, tiếng lốp bốp của những trái bàng rơi. Không gian này dường như trái ngược hẳn với sự náo nhiệt, khẩn trương, nghiêm túc trong hoạt động ban ngày của một nhà trường quân sự. Vậy là tôi đã ở đây, là học viên của Trường Đại học Chính trị tám tháng rồi, gần một học kỳ đã trôi qua với bao kỷ niệm trong sinh hoạt, học tập và rèn luyện, vui có, buồn cũng có nhưng có lẽ đọng lại nhiều nhất trong tôi vẫn là những kỷ niệm về tình người nơi đây.

Nhớ biết bao buổi đầu tiên bỡ ngỡ đến Mái trường này; khi đó anh em chúng tôi - những học viên đầu tiên của chuyên ngành đào tạo Giáo viên giáo dục quốc phòng -  an ninh đều cảm thấy rất mệt mỏi. Sự thờ ơ biểu hiện rõ trên nét mặt nhiều người, bởi hầu hết anh em chúng tôi là những người đã có gia đình, lại đang có con nhỏ, việc đi học chủ yếu là do sự sắp xếp, phân công của cơ quan chủ quản; khi nhập học lại phải làm quen ngay với môi trường quân đội, với bao yêu cầu khắt khe về kỷ luật, tác phong. Trăm sức ép đổ dồn một lúc, khiến nhiều anh em không thể yên lòng. Nhưng rồi, những xúc cảm ban đầu đó cũng dần trôi qua, thay vào đó là những tiếng cười rộn vang trên giảng đường và thao trường nắng cháy.
Để có được không khí vui tươi, sự tự tin, niềm đam mê học tập đó của anh em học viên Giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh chúng tôi là cả một quá trình miệt mài lao động, gần gũi sớm hôm của các cấp lãnh đạo, chỉ huy, của cán bộ, chiến sĩ Nhà trường. Chúng tôi đã được đón tiếp, hướng dẫn, chăm lo từ nơi ăn, chốn nghỉ, tới việc học tập, rèn luyện; từ cái cặp sách, giáo trình, tập vở, cây bút rồi việc thực hiện các chế độ, kỷ luật Quân đội. Tất cả đều rất chu đáo, tỉ mỉ, ân cần. Nhưng có lẽ điều làm anh em chúng tôi cảm phục hơn cả chính là "kho" kiến thức uyên thâm, là sự nhiệt tình trong giảng dạy của đội ngũ các thầy cô giáo nơi đây. Nhớ những buổi học đầu tiên với môn học "Lịch sử truyền thống quân đội và công an", các thầy đã giảng cho chúng tôi về lịch sử hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang; về sự thông minh, gan dạ, về các tấm gương anh dũng trong chiến đấu, hy sinh của các thế hệ cha anh, về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam... Những kiến thức đó đã khơi dậy trong chúng tôi rất nhiều điều. Rồi dần dần qua mỗi môn học, mỗi buổi tập, mỗi ngày lên lớp chúng tôi càng ngày càng hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh. Chính những bài giảng của các thầy đã làm cho chúng tôi thêm yêu ngành học này và yên tâm với công việc trong tương lai. Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc tới sự chăm lo về đời sống chính trị - tinh thần của các cấp lãnh đạo trong Nhà trường cho anh em học viên nói chung và học viên Giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh nói riêng. Ở đây ngoài việc hàng ngày được đọc báo, xem thời sự thì hàng tháng, hàng tuần chúng tôi vẫn đều đặn được nghe nói chuyện về tình hình chính trị trong và ngoài nước, được xem phim, xem văn công, xem các buổi biểu diễn văn nghệ. Các hoạt động này đã cho chúng tôi niềm tin vào công việc và cuộc sống, làm cho tinh thần chúng tôi ngày càng thoải mái và phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương.
Giờ đây, sau gần tám tháng học tập, chúng tôi đã mang trong mình tinh thần của những người chiến sĩ, biết vượt qua gian nan, vất vả, biết đồng cam, cộng khổ và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Đúng lúc này thì nhiệm vụ học tập của học kỳ I cũng gần hoàn thành, chúng tôi sắp phải tạm xa các thầy, các cô, xa Mái trường dấu yêu để trở về địa phương công tác. Dù ở nơi đâu, trong bất kỳ công việc nào chúng tôi cũng luôn nhớ về Thành cổ Bắc Ninh, về tình người nơi mái trường Sĩ quan Chính trị.

Bắc Ninh, tháng 10 n



[1] Hệ 4

TÌM HIỂU VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI THÀY QUA CA DAO, TỤC NGỮ VIỆT NAM

TIỂU ĐOÀN TRAI BẢN

                                                   Kịch bản phóng sự -  PHÙNG VĂN LẬP[*]

1. Nói đến mền núi, vùng sâu, vùng xa, bên giới, chúng ta thường nghĩ đến địa bàn chiến lược của Tổ quốc, vùng hẻo lánh, khó khăn; nơi có bản lảng của đồng bào các dân tộc ít người sinh sống, nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, ở vị trí tiền tiêu, phên dậu của Tổ quốc, tinh thần yêu nước, cần cù lao động, dũng cảm hy sinh, xả thân vì Nước trong chống ngoại xâm của đồng bào dân tộc ít người luôn được khơi dậy, vun đắp, phát huy trong thế trận cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc của dân tộc
Chủ trương, chính sách dân tộc hướng đến xây dựng tinh thần “Bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, công tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ công tác ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới luôn được quan tâm, chú trọng.

Cán bộ là cái gốc của công việc. Bởi thế, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn chiến lược, những đơn vị quân đội có nhiều con em các dân tộc ít người không đơn thuần chỉ là giải quyết những khó khăn về công tác điều động, bố trí, phát huy năng lực cán bộ mà còn là vấn đề chiến lược nhằm tăng cường hiệu lực lãnh đạo Đảng, giải quyết khâu trọng yếu của vấn đề dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ  Tổ quốc.
2. Thực hiện chủ trương của Đảng, với thành tựu, kinh nghiệm, yêu cầu của công tác giáo dục đào tạo, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ đổi mới đất nước, cách đây hơn 20 năm, ngày 07/9/1991, từ đơn vị tiền thân là Đại đội 16, Tiểu đoàn 1 của Trường Sĩ quan Chính trị được thành lập.
Đây là đơn vị quản lý học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội là con em các dân tộc ít người có quy mô như thế không nhiều của quân đội. Điều đó đã đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy, tầm nhìn, năng lực đào tạo đội ngũ cán bộ; thêm một hợp phần sứ mạng và tầm nhìn của Nhà trường.
Với mục tiêu, yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị vừa Hồng vừa Chuyờnlà con em đồng bào các dân tộc ít người, công tác ở những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, những đơn vị có nhều quân nhân dân tộc ít người. Cho nên học viên được ưu tiên trong công tác tạo nguồn từ các trường thiếu sinh quân, nguồn cử tuyển.
Học viên nhập trường có đủ đều kiện tham gia học tập, rèn luyện theo nội dung, chương trình đào tạo thống nhất của các đối tượng đào tạo cơ bản thành cỏn bộ chính trị cấp phân đội, trình độ Cử nhân, và thường xuyên được cập nhật, bổ sung kiến thức văn hóa các dân tộc, những vấn đề dân tộc nóng bỏng, cùng thực tiễn công tác công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước, quân đội.
Trong môi trường giáo dục đào tạo chính quy, tiên tiến, mẫu mực, hoạt động sư phạm và nghiên cứu khoa học của một trường đại học, những người con của bản, làng vùng sâu, vùng xa được bắt nhịp, tôi luyện về phẩm chất, năng lực. Cũng như các đối tượng khác, sự trưởng thành, hoàn thiện về nhân cách của học viên, đều là sự hội tụ đầy đủ phẩm chất, năng lực cần có của người cán bộ sĩ quan và phẩm chất, năng lực của người cán bộ chính trị trong quân đội.
Tuy nhiên, bên cạnh những cái chung ấy, điều làm nên ý nghĩa của việc thành lập đơn vị quản lý học viên là người dân tộc ít người lại là sự hiện hữu về tính đúng đắn, hướng đích của chính sách tạo nguồn cán bộ khi được triển khai.
Trước hết là những thuận lợi và khó khăn được tiên liệu và giải quyết trong quá trình giáo dục đào tạo.
Hơn ai hết chính những cán bộ, giảng viên của Nhà trường, học viên Tiểu đoàn 1 hiểu sâu sắc điều này.
Nhận thức và cảm nhận chung về học viên của Tiểu đoàn 1, đó là sự cần cù, ham hiểu biết, ngay thẳng, thật thà, một lòng một dạ theo Đảng, Chính phủ. Luôn tự tôn, tự hào về truyền thống văn hóa, về quê hương, bản làng ruột thịt, sẵn lòng thương yêu, tôn trọng tình bạn, nghĩa tình thủy chung, gíup đỡ đồng chí đồng đội. Và chính những phẩm chất quý báu, tốt đẹp ấy đó làm điểm tựa cho đội ngũ học viên vượt qua những khó khăn, bất cập về nền kiến thức khi tiếp thu, lĩnh hội tri thức mới, về khắc phục tập quán, phong tục chưa phù hợp với việc rèn luyện phương pháp tác phong công tác của người cán bộ chính trị.
Sự quan tâm, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, quân đội về công tác giáo dục đào tạo đối với đồng bào các dân tộc đó được hiện thực hóa sinh động tại Nhà trường. Từ việc thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu yêu cầu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục đào tạo, đến phát huy vai trò, trách nhiệm chính trị của đội ngũ cán bộ, giảng viên; khơi dậy, động viên, nuôi dưỡng lòng nhiệt tình, quyết tâm phấn đấu trưởng thành của đội ngũ học viên. 
Ngay tại Tiểu đoàn, với tinh thần Đơn vị là nhà, cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ đều là anh em ,những hoạt động học tập, sinh hoạt và công tác đó được triển khai theo hướng tạo ra môi trường giáo dục khoa học xó hội và nhân văn, môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú của các dân tộc Việt Nam. Nhất là các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị sinh động, sát gần với yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ của học viên sau khi tốt nghệp.
3. Gần 1000 cán bộ chính trị tốt nghiệp từ Tiểu đoàn đã phát huy tốt phẩm chất, năng lực, trở thành những cán bộ có uy tín, trong đó có một số đồng chí trưởng thành nhanh chóng và hiện đang giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, các đơn vị lực lượng vũ trang ở nhiều địa phương miền núi, biên giới. Phát huy tốt vốn sống, thói quen, phong tục tập quán và ngôn ngữ dân tộc sẵn có; dễ dàng thâm nhập, hoà đồng với cuộc sống sinh hoạt, văn hoá của đồng bào các dân tộc; trực tiếp phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và góp phần mang tri thức văn hoá, khoa học- kỹ thuật đến với bà con trên địa bàn đóng quân, là lực lượng nòng cốt trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị có đông con em đồng bào các dân tộc; góp phần quan trọng vào việc thực hiện quyền bình đẳng và tăng cường đại đoàn kết giữa các dân tộc, xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ổn định chính trị ở những địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Đó là thành quả lao động, cống hiến sáng tạo, học tập và công tác của các thế hệ cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ; sự đùm bọc, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Nhà trường. 
4. Chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, quân đội  về chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc cho những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cụ thể hóa bằng chính sách đào tạo cán bộ người dân tộc ít người.
Đó là sứ mạng mà Trường Sĩ quan Chính trị được vinh dự góp phần triển khai thực hiện. Nhà trường luôn tự hào, tin tưởng về đội ngũ học viên dân tộc ít người đã và đang được đào tạo tại Trường. Họ đang và sẽ là những cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt, luôn mang trong mình giá trị, tinh hoa văn hóa các dân tộc song được soi sáng bởi quan điểm, đường lối của Đảng, của khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và nghệ thuật quân sự, truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta.
Để quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo đường lối, quan điểm về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đường lối quân sự- quốc phòng, chủ trương và phương hướng giáo dục- đào tạo, tạo nguồn đội ngũ cán bộ quân đội của Đảng và Nhà nước, Nhà trường sẽ còn rất nhiều việc cần làm, mà trước hết là phát huy thành quả, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Sứ mạng và tầm nhìn đang thôi thúc, đòi hỏi tất cả các lực lượng của Nhà trường phấn đấu, vươn lên.

   

 





[*] Phòng Chính trị

ẤM ÁP NHƯ MỘT GIA ĐÌNH



TRIỆU THU THỦY[*]

Mỗi người phụ nữ đều mong chờ đến ngày 8/3 (Ngày Quốc tế phụ nữ) để nhận được những lời chúc tốt đẹp nhất, những món quà đầy ý nghĩa từ người thân và bạn bè của mình. Đối với những giảng viên nữ của Trường Đại học Chính trị - một môi trường đa số là nam giới, thì ngày 8/3 càng trở nên có ý nghĩa. Đây là cơ hội mà các chú, các anh bày tỏ sự quan tâm đến đồng nghiệp của mình. Riêng với tôi, ngày 8/3 đầu tiên tại Ngôi trường thân yêu này đã để lại ấn tượng sâu sắc, một kỷ niệm không thể nào quên. Không phải vì nhiều hoa, nhiều quà, nhiều lời chúc mà là tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ giữa đồng chí, đồng đội ấm áp như một gia đình.

          Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán - Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tháng 12/2009, tôi về Khoa Văn hóa Ngoại ngữ - Trường Đại học Chính trị công tác. Lúc đó tôi là một trong những giảng viên trẻ nhất toàn Trường. Niềm mơ ước được đứng trên bục giảng từ thuở nhỏ nay đã trở thành sự thật. Nhưng khi mới bước chân vào Trường, tôi gặp phải không ít những khó khăn: Thời khóa biểu sinh hoạt khác hoàn toàn với trước kia, tôi phải độc lập sống xa gia đình, xa bạn bè và người thân, một mình một phòng trong khu nội trú nữ, phải chấp hành nghiêm quy định của đơn vị, tác phong, xưng hô chào hỏi trong môi trường quân ngũ…Khoảng thời gian đầu tiên, tôi phải đấu tranh với bản thân mình ghê lắm mới chiến thắng "sự quyến rũ" của chiếc chăn ấm, chiếc đệm êm để thức dậy đúng giờ báo thức và trong công tác đôi khi tôi còn xưng hô nhầm. Vậy mà, với tất cả sự nhiệt huyết, say mê, lòng yêu nghề của một cô giáo trẻ mới ra trường, tôi đã cố gắng hết sức mình để nhanh chóng tiếp cận, hòa nhập và thích nghi. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đã chính thức được đứng lớp giảng dạy. Dù vậy, tôi vẫn có thói quen nhịn ăn sáng như từ thời sinh viên. Và một biến cố từ thói quen đó đã xảy ra đối với tôi đúng vào ngày 8/3 đầu tiên ấy.
          Theo kế hoạch thì buổi chiều ngày 8/3/2010 sẽ có buổi gặp mặt của Phụ nữ toàn Trường tại Hội trường A, tôi háo hức lắm vì đó là buổi lễ lớn đầu tiên tôi sẽ được tham dự, được mặc áo dài, và được gặp mặt với Thủ trưởng Nhà trường, thủ trưởng các đơn vị. Tuy nhiên, buổi sáng hôm đó, tôi giảng 4 tiết đầu. Lòng rộn ràng, náo nức khiến buổi tối hôm trước, tôi tất bật, đi ra đi vào, vừa lo là lượt quần áo, vừa lo chuẩn bị giáo án thật đầy đủ để ngày mai lên lớp suôn sẻ. Bởi vì, một giảng viên trẻ những lần đầu lên lớp trước đối tượng học viên lớn tuổi sẽ không tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ, nếu không có kiến thức chuyên môn vững vàng, nghiệp vụ sư phạm tốt thì sẽ thất bại. Đêm đã khuya mà trong đầu tôi tưởng tượng biết bao nhiêu điều: Đó là những tình huống sư phạm, những câu hỏi mà học viên có thể đặt ra, những ví dụ toán học sẽ truyền đạt và không thể thiếu những hình ảnh đẹp về Ngày Quốc tế phụ nữ, và tôi chỉ thật sự chìm vào giấc ngủ khi chiếc kim đồng hồ đã chỉ sang ngày mới.
5h15 phút, tiếng chuông báo thức vang lên, vậy là ngày mong chờ của tôi đã đến. Khác với mọi ngày, không còn cảm giác uể oải muốn ngủ thêm chút nữa, tôi bật dậy thật nhanh và lòng tự mỉm cười "chúc mừng ngày 8/3", mọi thứ quen thuộc xung quanh dường như bỗng nhiên vui hơn. Trời se se lạnh, từng cơn gió nhẹ của mùa xuân ôm ấp, vuốt ve những chồi non mới nở trên cành cây trước cửa, tôi vươn vai tận hưởng một buổi sáng thật trong lành. Chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, vẫn thói quen bỏ ăn sáng, mặc dù bụng trống không, tôi lên lớp với tinh thần hăng say nhất. Sau những thủ tục lên lớp như thường lệ, điều bất ngờ đầu tiên đến với tôi khi tất cả học viên đứng dậy, đồng chí cán bộ lớp ôm bó hoa tươi thắm tới tặng tôi, đồng thời dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp nhất. Tôi thật sự xúc động và ngạc nhiên: "cảm ơn các đồng chí". Buổi giảng hôm đó thành công ngoài mong đợi, khi các đồng chí học viên sôi nổi, hăng hái xung phong tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài. Sự khởi đầu suôn sẻ khiến tôi tràn ngập niềm vui và hy vọng một ngày thật tuyệt vời đến với mình - ngày 8/3 đầu tiên ở trong Trường của một cô giáo trẻ.
Nhưng điều mong đợi đó đã không trở thành sự thật. Sau khi kết thúc 4 tiết lên lớp, tôi ôm bó hoa được tặng về Khoa để tiếp tục làm việc. Một lúc sau, tôi bỗng thấy trán rịn mồ hôi, chân tay bủn rủn, tôi đoán "chắc mình bị trúng gió đây". Tôi xin phép Thủ trưởng Khoa về nghỉ một lát, sau đó đứng dậy, nhẹ nhàng đi về hướng Phòng nội trú của mình. Đi được mấy bước, tôi cảm thấy hoa mắt chóng mặt ghê gớm và gục xuống ngay trước cửa phòng làm việc.
          Khi tỉnh dậy, tôi đã thấy mình đang được truyền nước trong bệnh xá, xung quanh là các anh chị em trong Khoa đang hết sức lo lắng. Sau khi đo huyết áp, cặp nhiệt độ và các thao tác chuyên môn khác, bác sĩ nói với tôi: "Tỉnh táo chưa em? Cô giáo bị tụt huyết áp thôi, không có gì đáng lo ngại đâu. Chắc là từ sáng đến giờ chưa ăn gì đúng không? Đợi truyền xong chai nước này thì phải ăn một chút nhé". Tôi chỉ lí nhí đáp lại "Vâng ạ". Khi thấy tôi đã tỉnh táo, một chị trêu "em có biết bằng cách nào mà em xuống được đây không?". Tôi ngượng ngùng đáp lại câu hỏi của chị "Dạ, không ạ". Chị nở một nụ cười tươi, nắm lấy bàn tay tôi rồi hướng ánh mắt về phía một anh khác trong Khoa "Chính anh ấy đã cõng em suốt từ Khoa xuống đến Bệnh xá đấy. Trời trưa nắng, mồ hôi nhễ nhại mà anh ấy cố gắng đi thật nhanh đưa em đến đây để các bác sĩ khám, anh ấy và mọi người rất lo lắng cho em, giờ em không sao thì tốt rồi". Tôi chỉ biết ấp úng "Em cảm ơn anh, cảm ơn tất cả mọi người". Anh nhẹ  nhàng "Không có gì đâu, anh em trong Khoa mình luôn giúp đỡ nhau mọi lúc mọi nơi mà. Em phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, bây giờ không được nhịn ăn sáng nữa nhé, em phải ăn uống đầy đủ thì mới có sức để hoàn thành nhiệm vụ chứ". Tôi nghẹn ngào, xúc động chẳng nói nên lời, dòng nước mắt đã chan hòa trên má từ lúc nào.
Đầu giờ chiều, mọi người đã trở về làm việc, các chị em xúng xính trong những tà áo dài duyên dáng, tiếng nói cười rôm rả. Giá như không có chuyện sáng nay thì giờ này tôi cũng đã hòa nhập trong đó, cũng đã diện bộ áo dài và tung tăng như chú chim non. Vậy là hôm đó tôi không được tham dự buổi gặp mặt như mong đợi mà phải nằm tại bệnh xá, nằm một mình nghĩ tới bộ áo dài được là phẳng phiu treo trên mắc mà lòng thoáng buồn. Nhưng biết trách ai ngoài chính bản thân mình.
Hết giờ làm việc, tôi đã thấy khỏe hơn nên về phòng nội trú nghỉ ngơi. Các anh chị em và cả Thủ trưởng Khoa xuống "kiểm tra" sức khỏe của tôi một lần nữa. Khi thấy tôi đã hoàn toàn bình phục, thầy Phó Chủ nhiệm Khoa cười nói với tôi như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng "Khỏe hẳn chưa con gái, mọi người đi dự buổi gặp mặt mà cứ lo cho sức khỏe của con lắm đấy. Con lớn rồi, sống xa gia đình phải biết tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân nhé. Sau này, có vấn đề gì thì cứ nói với thầy, với mọi người trong Khoa để cùng nhau chia sẻ và tìm cách giải quyết nhớ chưa?". Tôi thật sự ngạc nhiên, bất ngờ trong sự sung sướng và xúc động, thầy gọi tôi là "con gái" - tôi như là một trong những người con của thầy, là em của những anh chị tại đây. Thường ngày thầy nghiêm khắc, chỉ bảo chúng tôi trong công tác chuyên môn, nhưng hôm nay thầy thật hiền từ, gần gũi giống như một người cha dặn dò chính đứa con của mình vậy. Anh mà sáng đã cõng tôi cũng trêu tôi bằng một câu nói rất dí dỏm "Anh chỉ cõng em lần này thôi, em phải khỏe không được ngất lần nữa đâu nhé. Nếu có lần sau anh không cõng nữa đâu...". Tôi bật cười "Vâng, em biết rồi, em hứa sẽ không có lần sau nữa đâu ạ".
Khi mọi người ra về, ngồi một mình tôi bỗng thấy lòng mình thật ấm áp như chưa hề có vết tích của trận ốm buổi sáng cũng như sự "lỡ hẹn" với buổi gặp mặt buổi chiều. Thay vào đó là niềm vui sướng tràn ngập vì tôi đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của mọi người trong Khoa, từ các thầy lãnh đạo đến toàn thể các anh chị em. Chúng tôi luôn dành cho nhau những tình cảm chân thành, ấm áp như một gia đình. Sống xa gia đình, xa anh em bạn bè nhưng tôi không hề cảm thấy cô đơn, chúng tôi luôn quan tâm, chia sẻ với nhau không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống. Tôi đã tìm thấy gia đình thứ hai của mình - Khoa Văn hóa Ngoại ngữ, với các thầy là cha, các cô là mẹ và các anh chị em như trong một nhà.
Hai năm đã trôi qua, Khoa cũng đã có nhiều thay đổi một số thầy cô đã nghỉ hưu, có nhiều giảng viên mới về nhận công tác nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là tình cảm ấm áp như một gia đìnhgiữa tất cả mọi người. Cũng từ gia đình này, tôi và các giảng viên trẻ đã dần trưởng thành, vững vàng hơn trong công tác. Chắc chắn rằng, mãi mãi về sau tình cảm gia đình ấy sẽ luôn luôn bền chặt, thắm thiết.  





[*] Khoa VHNN